Hai vợ chồng cao tuổi vẫn nặng lòng với hát trống quân
Nhịp sống văn hóa 07/02/2023 08:24
Suýt đi vào quên lãng
Hát trống quân là loại hình văn nghệ dân gian hát đối đáp đặc trưng của Bắc Bộ, gắn liền với các ngôi làng cổ bên những con sông. Ở thôn Phúc Lâm, hát trống quân không rõ chính xác thời điểm hình thành, chỉ biết tồn tại chừng vài trăm năm bên dòng sông Lương, sông Nhuệ huyền tích.
Bà Kiều Thị Mách, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm năm nay đã 66 tuổi cho biết rằng, từ thời bà nội của bà, hát trống quân đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng ở Phúc Lâm. Làng có 3 xóm thì cả 3 đều có đội hát, ngoài hát trống quân cửa đình phục vụ các ngày tế thần thì còn hát trống quân giao duyên.
Hai vợ chồng ông Chén, bà Mách trong một buổi tập hát trống quân |
Chính từ những đêm hát giao duyên dí dỏm đã se đôi cho bà Mách với ông Đào Văn Chén (69 tuổi) nên duyên vợ chồng. Hai ông bà đã sát cánh bên nhau hàng trăm buổi diễn. Tuy nhiên, trong giai đoạn thời bao cấp, kinh tế còn khó khăn, văn nghệ dân gian ít được chú trọng, hát trống quân Phúc Lâm dần không được mấy người biết đến, tưởng chừng như đã mất hẳn.
Mãi đến năm 1997, huyện Phú Xuyên tổ chức Liên hoan dân ca dân vũ, những cụ cao niên ở Phúc Lâm như cụ Kiều Thị Chải (mẹ đẻ bà Mách, 90 tuổi), cụ Nguyễn Thị Chăn, mới động viên lớp trẻ hãy lập đội hát trống quân và tham gia, bởi đây là sản phẩm tinh túy của Phúc Lâm. Nhận được sự động viên của các cụ, bà Mách và ông Chén bắt tay vào công cuộc “chấn hưng” hát trống quân bằng việc lập đội và tham gia Liên hoan.
Tại kỳ liên hoan, đội hát trống quân Phúc Lâm đã giành được giải cao và đặc biệt là đánh dấu sự trở lại của hát trống quân như một loại hình văn hóa dân gian độc đáo của Phúc Lâm trước quần chúng.
Từng bước khôi phục
Nên duyên từ hát trống quân, vậy nên xoay quanh câu chuyện tình, chuyện đời của ông Chén bà Mách luôn có hát trống quân song hành. Trong thời gian trống quân bị mai một, hai ông bà vẫn thường tự hát cho nhau nghe và nuôi hy vọng một ngày, làn điệu quê hương “hồi sinh” trở lại.
Bà Mách từng có kinh nghiệm làm công tác thanh niên, công tác phụ nữ còn ông Chén từng trong quân ngũ 10 năm nên hai ông bà rất hăng say hoạt động văn hóa đoàn thể.
Hai ông bà ông chia nhau đi vận động các cụ cao niên hồi tưởng lại các bài hát trống quân cổ, truyền dạy kinh nghiệm và vận động lớp trẻ tham gia đội hát, rồi tổ chức tập luyện. Bà Mách nhớ lại thời gian đi vận động mọi người tham gia đội “có cụ bảo không hát với trẻ con, có người bảo mất công mất việc, có người thì lại bảo cho con người ta hát rồi nó mê hát chẳng học hành, nghề nghiệp thì sao. Họ từ chối”. Biết là khó nhưng hai ông bà tự bảo nhau “khó mấy cũng phải cố” không sẽ thấy có lỗi với các cụ đã dạy hát trống quân cho mình ngày xưa.
Ông Chén có biệt tài làm thơ, viết lời mới cho hát trống quân, bà Mách tuy là thân phụ nữ nhưng tự tay đóng chiếc trống quân theo đúng ý mình. Bà Mách kể “tôi đi nhờ thợ mộc làm nhưng không đúng ý nên tôi tự tìm mây, gỗ, thùng... về tự làm ra chiếc trống quân, loay hoay chục ngày cũng xong”.
Hai vợ chồng cũng làm nông như nhiều gia đình khác ở Phúc Lâm nhưng mỗi khi cần đóng góp hay bỏ tiền ra để may mua trang phục, thuê loa đài, địa điểm là hai vợ chồng đều đi đầu, không chút lăn tăn. Bởi những năm đội mới được hình thành, đi vận động kinh phí từ nhân dân rất khó, hỗ trợ từ địa phương rất hạn chế, nên hai ông bà đã bỏ ra mấy chục triệu để may trang phục, guốc, khăn, đai trống đến dịp biểu diễn lại bỏ ra cho mọi người mặc.
Đội hát trống quân Phúc Lâm tồn tại không chính thức hơn chục năm thì phát triển thành Câu lạc bộ năm 2016. Đây là tâm huyết rất lớn của hai vợ chồng ông nói riêng và các thành viên trong đội hát nói chung.
Ông Chén kể rằng, thấy đội hát tồn tại trong làng không chính thức, hai vợ chồng ông đã nhiều lần kiến nghị UBND xã Phúc Tiến thành lập Câu lạc bộ, có quy chế hoạt động rõ ràng. Việc thành lập CLB còn giúp công tác bảo tồn, gìn giữ đi vào khuôn khổ, các cụ cao niên có nhiều công lao gìn giữ được tôn vinh xứng đáng, CLB là chỗ sinh hoạt văn hóa tin cậy để thế hệ trẻ đam mê và say mê để phát triển làn điệu quê hương.
Ông Chén hát trong một buổi diễn tại đình làng |
Trước đó, hát trống quân Phúc Lâm từng được GS.TSKH Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định là một di sản văn hóa phi vật thể rất quý giá và cần được bảo tồn. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng về Phúc Lâm sưu tập tư liệu, xem biểu diễn và động viên hai vợ chồng ông Chén bà Mách rất nhiều trong nỗ lực bảo tồn hát trống quân.
Năm 2015, Đội hát trống quân Phúc Lâm còn được đón NSND Thúy Ngần về cùng sưu tập, dàn dựng các vở hát trống quân cổ. Bà Mách nhớ lại: “Thúy Ngần về Phúc Lâm 3 ngày và ở tại nhà tôi. Ban ngày, Thúy Ngần làm việc với đội về các kỹ thuật, nghệ thuật và đạo diễn các vở, ban tối hai chị em chúng tôi lại say mê tập hát cả đêm, 3 ngày đó đối với tôi vô cùng quý giá”.
Đến năm 2016, sau bao nỗ lực của hai vợ chồng ông Chén bà Mách và các thành viên đội hát, CLB hát trống quân Phúc Lâm chính thức ra đời với 18 thành viên, bà Mách làm chủ nhiệm, gia đình còn có ông Chén, bà Chải là hai thành viên cốt cán trong CLB.
Bình quân, Câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm biểu diễn khoảng gần chục lần mỗi năm. Trong đó có ba lần vào dịp lễ là hội làng (10/3 âm lịch), giỗ Mẫu (9/8 âm lịch), tết nguyên đán. Ngoài ra. CLB còn hát phục vụ hội nghị, sự kiện trong thôn. Hát trống quân Phúc Lâm từng gây tiếng vang tại Liên hoan dân ca dân vũ Hà Nội tổ chức năm 2016 khi giành giải Đặc biệt, tạo được sự nổi bật với các làng hát trống quân khác.
Đau đáu trao truyền
Để có được một buổi diễn hát trống quân thành công, nhận được những tràng pháo tay rào rào của khán giả, các thành viên phải tập luyện rất chăm chỉ. Địa điểm tập luyện thường là sân đình hoặc ngay tại nhà ông Chén. Để mọi người có sức khỏe tập hát, lần nào bà Mách cũng chuẩn bị đồ ăn nước uống phục vụ anh chị em, còn các buổi tổng kết thì làm mấy mâm cơm liên hoan.
Các thành viên CLB đã tự nguyện đóng góp vài chục triệu đồng để mua sắm, phục vụ các hoạt động liên quan đến hát trống quân nhưng chưa bao giờ ca thán hay mong muốn nhân dân đóng góp. Điều mọi thành viên và hai ông bà nhận được chính là sự sôi nổi tập hát và tinh thần bảo tồn làn điệu quê hương từ mọi người.
Còn đối với công tác trao truyền cho thế hệ trẻ, bà Mách cho biết đến nay đã dạy thành thạo được 6 cháu, trong đó có cháu mới 8 tuổi và đã tham gia hát biểu diễn. Ông Chén thì khiêm tốn hơn khi mới dạy 3 cháu nam, tuy nhiên các cháu đều rất thành thạo và đam mê.
Bà Mách bên chiếc trống quân tự tay bà làm |
Niềm vui đến những ngày cuối năm 2021 khi hai ông bà đều được công nhận là Nghệ nhân ưu tú hát trống quân, tính cả cụ Chải nữa thì gia đình đã có tới 3 nghệ nhân ưu tú trên tổng số 5 nghệ nhân ưu tú của làng Phúc Lâm.
Tuy vậy, còn một điều mà hai ông bà cũng như CLB hát trống quân đau đáu chính là hát trống quân Phúc Lâm chưa được xem xét công nhận như một di sản văn hóa phi vật thể cấp thành phố hoặc trở thành địa chỉ văn hóa của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Nếu như được công nhận, chắc chắn sẽ là bước tiến rất quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát trống quân.
Ông Đào Thanh Cơi, Trưởng thôn Phúc Lâm cho biết: Hát trống quân Phúc Lâm được phục hồi và phát triển như ngày hôm nay là có công rất lớn của hai vợ chồng ông Chén bà Mách nói riêng và các thành viên CLB nói chung. Không thù lao, đôi khi còn phải bỏ tiền nhà ra chỉ đổi lại niềm vui cho nhân dân địa phương và bảo tồn làn điệu quê hương quả là việc làm có ý nghĩa của hai nghệ nhân và CLB.