Giữa chốn đô thị tấp nập, sôi động là hai đảo cò yên ả, thanh bình. Những cánh cò đã từng đi vào cảm xúc, gợi bao niềm thương nỗi nhớ cho bất kì ai từng đặt chân đến vùng đất thương cảng, địa linh nhân kiệt được mệnh danh là "tiểu Tràng An" xưa. Sáng sớm, cò rủ nhau rời tổ tỏa đi các hướng, kiếm ăn. Chiều tối, cò bay về tổ, đậu trắng những lùm cây…
Ông Nguyễn Duy Hy, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Hưng Yên, cựu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự lái xe dẫn chúng tôi đi thăm hồ An Vũ, hồ Nam Hòa tại TP Hưng Yên. Thật thú vị khi ngắm những cánh cò hối hả về tổ trong bóng chiều đang dần buông yên ả.
Đảo cò giữa lòng thành phố
Từng đàn, từng đàn từ khắp nơi tụ hội, đáp xuống ngọn cây, ríu rít gọi nhau, hân hoan như người thân trong gia đình sau một ngày làm việc trở về tổ ấm. Tiếng kêu, tiếng đập vỗ cánh náo nhiệt cả không gian yên tĩnh. Mặt hồ nhẹ sóng lăn tăn. Tất cả tạo nên cảnh quan thơ mộng làm nao lòng du khách. Người già ở đây kể lại: Trước đây, hai hồ nước này chỉ là những cái đầm nhỏ, cây cối mọc um tùm. Khoảng đất nhỏ nổi giữa là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò các loại (cò đen, cò trắng, cò mỏ đen, mỏ trắng, bồ nông, vạc)… Khi đô thị phát triển, người ta quy hoạch, cải tạo, mở rộng khuôn viên, trở thành hai khu công viên sinh thái, "lá phổi xanh" giữa lòng thành phố, chú trọng bảo tồn nơi trú ngụ, sinh hoạt của những đàn cò.
Cũng có một thời gian, cò rủ nhau đi đâu hết. Rồi cũng chẳng bao lâu, chúng lại trở về, sinh sôi nảy nở, điểm tô cho cuộc sống cư dân thêm phong phú, sinh động. Người dân ở đây sống chan hòa, mến khách, coi cò như những người bạn thân thiết. Sáng sớm đi tập thể dục hoặc chiều về đi bộ quanh công viên, hình ảnh những cánh cò quen thuộc đã gắn bó máu thịt trong dòng cảm xúc mỗi khi xa quê, trong nỗi nhớ da diết bóng dáng tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ vùng châu thổ sông Hồng.

Vị ngọt nhãn lồng…Phố Hiến xưa, nay đã là thành phố trẻ Hưng Yên với bao nỗ lực phát huy tiềm năng lợi thế, đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ. Cùng sự thâm nghiêm cổ kính với nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc; sản phẩm làng nghề độc đáo; lễ hội sôi động, đậm đà bản sắc; những đường phố nhãn lồng tạo nên nét riêng có ở nơi này. Đi dưới những hàng nhãn cổ thụ trên phố, trong vườn, chợt thèm mùa trái chín, thưởng thức những trái nhãn to tròn, vàng nâu, ngọt lịm và hương thơm dịu dàng như những người nông dân chân chất. Sản phẩm từng hấp dẫn các quân vương và trở thành của quý khi được "tiến vua" mỗi độ vào mùa.
Nhãn lồng trồng ở khắp nơi trong tỉnh, nhiều nhất ở thành phố Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ. Áp dụng công nghệ nông nghiệp kĩ thuật cao vào sản xuất, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy đăng kí chỉ dẫn địa lí; là lựa chọn của nhiều đối tác nước ngoài và doanh nhân trong nước. Nhãn, sen trồng dọc ven đê sông Hồng, sông Luộc cùng sản vật ẩm thực nổi tiếng như bún thang, chè hạt sen, tương Bần, bánh răng bừa... để lại ấn tượng không thể nào quên đối với ai đã một lần thưởng thức.
Đậm đặc di tích lịch sử văn hóaÔng Nguyễn Duy Hy cho biết: Toàn tỉnh có hơn 1.200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 164 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia (đứng thứ nhì cả nước, chỉ sau Thủ đô Hà Nội), 191 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch.
Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến hình thành bởi sự phong phú về phong tục tập quán của người Việt, người Hoa, người Nhật và người châu Âu từ thế kỉ XVI, XVII; nổi tiếng với hệ thống đình chùa dày đặc tọa lạc trên thế địa linh, cảnh quan đẹp, thoáng mát. Hiện tỉnh đang nỗ lực hoàn thành các hạng mục thuộc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó phục dựng phố cổ; thương điếm của người Hà Lan, người Hoa, người Nhật; phục dựng tàu, thuyền cổ; tu sửa nghĩa địa người nước ngoài...
Trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa đang được cán bộ và Nhân dân trang trọng bảo tồn, lưu giữ, tạo điểm nhấn và thu hút đông đảo du khách thập phương. Cùng hệ thống các Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu… các lễ hội truyền thống gắn liền Cụm Di tích lịch sử văn hóa Đa Hòa - Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), đền Phù Ủng (huyện Ân Thi), Di tích Tống Trân - Cúc Hoa (huyện Phù Cừ), đình - chùa Văn…; những câu chuyện, tên tuổi danh nhân song hành cùng lịch sử phát triển đi lên của đất nước; là những địa chỉ đỏ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Hưng Yên còn có một kho tàng Văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu Chèo, ca Trù, hát Xẩm, Trống quân... mượt mà đằm thắm. Các làng nghề thủ công, truyền thống, tiêu biểu đúc đồng xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; chạm bạc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi; mây, tre đan huyện Tiên Lữ; nghề dệt thảm, thêu ren ở huyện Phù Cừ, Kim Động; nghề làm hương xạ xã Bảo Khê, TP Hưng Yên… đang ngày càng khẳng định nét văn hóa độc đáo không lẫn vào đâu được của vùng đất chỉ có thể là "… thứ nhì phố Hiến"
Thanh Hà