Nét văn hóa cổ độc đáo
Theo truyền thuyết, nghệ thuật hát Xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Truyện kể rằng: "Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng bèn cho mời Quế Hoa đến. Bấy giờ, vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Với giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sinh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mị nương”. Điệu hát này thường được tổ chức vào mùa Xuân nên gọi là hát Xuân.
|
Cụ Lê Xuân Ngũ mong muốn: Hát Xoan phải giữ gốc cổ, nhưng cần cách tân lời mới vào mới hút được lớp trẻ |
Từ đấy, hát Xoan được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua sự truyền dạy của các bậc cao niên...
Trong không khí xuân, mưa bay lất phất trên những cành lộc non, chúng tôi rong ruổi về thăm những điệu Xoan cổ được lưu giữ ở 3 phường Xoan gốc là thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức - TP Việt Trì). Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Thái hồ hởi cho biết, ngay sau khi hát Xoan được chính thức ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và người dân chúng tôi rất phấn khởi và tự hào. Để giữ gìn, bảo tồn và quảng bá nét văn hóa cổ này, xã đã xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh để giới thiệu với du khách; đưa hát Xoan vào chương trình giảng dạy tại 2 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn của xã. Và, điều đóng góp quan trọng không thể thiếu đó là vai trò của các nghệ nhân cao niên ở các phường Xoan cổ luôn có ý thức truyền dạy cho lớp trẻ. “Còn với nhiều người trẻ, hát xoan đã ngấm vào trong máu từ thuở nằm nôi”, Phó Chủ tịch Thái khẳng định.
Nói đến các phường xoan, người dân nơi đây không ai là không biết đến các Nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng, Lê Xuân Ngũ, Lê Thị Huệ, Lê Thị Tú... Thật may mắn cho đất Phú Thọ là đến thời điểm này hát Xoan vẫn còn những "báu vật" dù các cụ nay tuổi đã cao và các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê hát Xoan để rồi truyền tình yêu hát Xoan cho lớp trẻ.
Gặp cụ Lê Xuân Ngũ, một nghệ nhân đã hơn 80 năm gắn bó với hát xoan cổ. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt Cụ - Trùm phường Xoan Phù Đức.
Nói đến Xoan cổ, cụ say sưa đắm chìm vào từng câu hát, dẫn cách, giơ tay đánh trống cầm nhịp. Cụ giảng giải, một đêm hát Xoan có ba chặng: Hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; Hát Quả cách, gồm những bài chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; Hát trao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Hát Xoan giữa lòng đình, trai gái ném đúm cho nhau mà hát giao duyên: Đúm này em dặn thì nghe/ Đúm bay cho tới áo the đúm vào/ Đúm vào người hỏi làm sao?/ Em là quả đúm em vào kết duyên"…
Lời Xoan cổ nghe sao mà đằm thắm, nhưng vô cùng trong sáng hồn nhiên tình yêu một thuở xa xưa. Nghe cụ giảng giải, tôi mường tượng ra những gian đình rộng là thế mà chật kín cả người. Đèn nến lung linh mờ ảo hòa quện với khói hương tỏa bay thơm ấm áp. Các kép Xoan áo the, khăn xếp gõ nhịp trống phách. Các đào Xoan với tà áo nâu non, chít khăn mỏ quạ đen, chân bước nhịp, tay múa trên chiếu giữa lòng đình, hướng về bàn thờ, những tiếng hát thành kính cất lên.

Trình diễn Hát Thờ vua - Một nghi thức Hát thờ vua được tổ chức hàng năm tại các phường Xoan Phú Thọ
Làm sao cho xứng với kì vọng?Hiện nay, Xoan cổ chỉ còn lưu giữ ở 4 phường Xoan gốc của TP Việt Trì là thôn An Thái (xã Phượng Lâu); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức).
Cùng với sự đổi thay của lịch sử, nghệ thuật hát Xoan cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm, phải đối mặt với những khó khăn... dẫn đến nguy cơ bị mai một. Ngày 24/11/2011, kho tàng “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” của nhân loại có thêm một thành viên mới, đó là nghệ thuật hát Xoan (Phú Thọ, Việt Nam).
Đằng sau vinh dự là cả một gánh nặng làm sao xứng đáng với niềm kì vọng của UNESCO. Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố chương trình hành động bảo vệ di sản này. Tỉnh tập trung truyền dạy, thực hành và nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát Xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền, quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát Xoan trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho 4 phường Xoan gốc để chủ động tổ chức truyền dạy, đào tạo nghệ nhân kế cận và tổ chức các hoạt động. Đưa hát Xoan vào các trường học, giúp thế hệ trẻ nhận thức được trách nhiệm trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu Xoan...
Đến nay, hát Xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa, có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng và thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Ngày 8/12/2017 mới đây, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nhưng, cùng với niềm tự hào khi Xoan được UNESCO công nhận, là nỗi lo khi không gian Xoan ngày càng bị thu hẹp bởi giờ vẫn còn quá ít người trẻ tuổi muốn học, muốn theo môn nghệ thuật này...
Về đất Tổ, đã nghe đâu đây lời xoan cùng tiếng trống chầu thiêng liêng vang lên từ Đền Hùng hòa nhịp bao tiếng trống làng tưng bừng mở hội. Mùa Xuân đã về, ngập tràn với bao hi vọng
Bài và ảnh Ánh Tuyết