Đại tá Bùi Sáu với ngày giải phóng miền Nam
Xã hội 30/04/2024 11:05
Ông nói: “Cần phải làm tròn trách nhiệm của mình trong thời gian còn lại để góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của bà con”. Đã 49 năm đi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí Đại tá Bùi Sáu.
Vào tháng 9/1965, chàng thanh niên Bùi Sáu, ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Hồi mới nhập ngũ, ông thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường B5, Bình Trị Thiên. Ông cho biết: "Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm, ai nấy đều mong ước được đóng góp sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Những trận đánh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, những ngày đêm chiến đấu ác liệt với quân địch để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là những ngày tháng không thể nào quên. Sau ngày miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, thỉnh thoảng Đại tá Bùi Sáu kể cho con cháu nghe về những kỷ niệm trong chiến đấu của mình. Đôi khi ông không giấu được cảm xúc về những chiến dịch ác liệt nhất, có quá nhiều mất mát, hy sinh của đồng bào, đồng đội. Những người đồng đội mới hôm qua còn chia nhau nắm cơm, sẻ nhau hạt muối, mới phút trước còn động viên nhau vững tâm chờ đến ngày toàn thắng, thế rồi họ đã ngã xuống trong bom đạn của kẻ thù. Khi đồng đội hy sinh, ông cùng các anh em còn sống phải ngầm ngùi, xót xa, tự tay chôn cất đồng chí của mình.
Sân dinh Độc Lập hôm 30/4/1975. |
Ai cũng phải nén đau thương, mất mát, để tiếp tục chiến đấu. Sau này, với cương vị Phó Chính ủy Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, ông Bùi Sáu cùng đồng đội đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, cảng Ba Son trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 26/3/1975, khi đang giữ chốt giữ ở Thượng Đức (Quảng Nam), Trung đoàn 66 nhận được lệnh hành quân ra đường 14 tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 bừng bừng khí thế vừa hành quân vừa diệt địch, góp công giải phóng Đà Nẵng.
Sau đó, Trung đoàn 66 tiến vào Nam chiến đấu đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân (Bình Thuận) vào rạng sáng 22/4/1975; Trung đoàn là lực lượng xung kích đi đầu cùng với xe tăng có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Giờ đây, Đại tá Bùi Sáu luôn nhớ về những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, ông nói: “Sau khi triển khai nhiệm vụ cho đơn vị, chúng tôi đánh thọc sâu vào thị xã Hàm Tân, địch chống trả yếu ớt. Chỉ sau 2 giờ nổ súng, quân ta đã làm chủ thị xã. Một ngày sau các đơn vị của Trung đoàn 66 củng cố lực lượng, đêm đến bắt đầu hành quân, tới đồn điền cao su ông Quế (ở thị xã Long Khánh) vào sáng 23/4.
Tại đây, Trung đoàn 66 tiếp tục nhận nhiệm vụ thọc sâu tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa vào nội đô Sài Gòn, phối hợp đánh địch tại căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai)… Đến sáng 29/4, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu đi đến cầu sông Buông thì bị địch phá cầu, án ngữ. Vừa đánh địch vừa sửa cầu, sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn…”.
“Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh Độc Lập, phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch. Hình ảnh xe tăng của ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả quân và dân đều vỡ òa trong niềm vui thống nhất, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên, chứng kiến khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi”.
Sau năm 1975, Đại tá Bùi Sáu tiếp tục hành trình quân ngũ, cống hiến cho quê hương, đất nước rồi nghỉ chế độ. Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba… cùng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương cao quý khác.
49 năm đã trôi qua, với Đại tá Bùi Sáu, hình ảnh những người lính tham gia giải phóng Sài Gòn năm xưa, cảm xúc khi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối vẫn còn vẹn nguyên trong tim, đó là những kỷ niệm suốt cuộc đời ông chẳng thể nào quên....