Cựu binh già trồng rừng phi lao chắn bão
Đời sống 26/11/2019 10:38
Đã hơn 30 năm qua, cụ Nguyễn Lán, 90 tuổi, ở thôn Hội Thành 2, xã Xuân Hội hằng ngày vẫn miệt mài trồng, chăm sóc những cánh rừng phi lao mà không đòi hỏi công xá, hay quyền lợi gì.
Thời kháng chiến chống Pháp, cụ Lán tham gia chiến đấu tại chiến trường phía Tây xứ Thanh. Năm 1954, cụ bị thương nặng không thể tiếp tục chiến đấu phải trở về quê nhà ở. Sau khi rời quân ngũ, cụ đi biển đánh cá mưu sinh theo nghề truyền thống của cha ông.
Sau hàng chục năm bám biển, chứng kiến cảnh thiên tai, bão lũ làm vùng cửa biển bị vỡ, cuốn trôi nhà cửa, đất đai, hoa màu. Nhiều gia đình phải tha phương cầu thực, người ở lại cũng gặp không ít khó khăn, đất cát lại bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng trọt đã khó lại thêm nạn cát bay, biển xâm thực. Cả làng lúc ấy không có ai ra khơi đánh cá, hợp tác xã cũng phải giải thể.
Cụ Nguyễn Lán vẫn ngày ngày lặng lẽ chăm sóc bảo vệ rừng phi lao. |
Thấy làng không có đê, không có rừng chắn sóng, cụ Lán bàn với vợ đưa cả nhà ra bãi cát trống dựng nhà ở, vừa làm nghề ngư bám biển, vừa mua cây phi lao về trồng, với nguyện vọng trồng cây ven biển ngăn chặn thiên tai, giúp đỡ bà con trong vùng sống bình yên.
Cuối năm 1986, cụ viết đơn xin chính quyền giao đất, mượn tiền mua phi lao giống về trồng trên bãi cát dài hơn 2 km dọc cửa biển Xuân Hội. Cụ cho biết: “Lúc đó, làm đê chống lũ rất tốn kém, nhưng trồng cây, gây rừng thì tôi nghĩ là sẽ làm được. Thế là tôi cùng vợ rời làng ra dựng lều ngoài bãi biển để trồng phi lao chắn sóng”.
Hằng ngày, vợ chồng cụ vừa trồng phi lao, vừa ra biển thả lưới kiếm từng bữa ăn. Khó khăn là thế nhưng cụ vẫn quyết tâm mua phi lao về trồng. Mới đầu chưa có kinh nghiệm nên số lượng cây chỉ sống được một nửa. Phần vì bị sóng đánh gãy, trâu bò ăn hoặc bị kẻ xấu phá hoại, phần thì cây đứt rễ rồi héo dần. Nhưng với ý chí của người lính, cụ quyết không bỏ cuộc.
Thấy cụ làm, nhiều người cho cụ là lão gàn, rỗi hơi nên trồng trên cát những thứ cây ấy. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, cụ lặng lẽ trồng cây, đến nay đã hơn 30 năm, rừng phi lao với hàng vạn cây do cụ trồng trên diện tích rộng gần 20 ha, chạy dài hơn 2 km dọc con đê biển Xuân Hội. Trồng phi lao đã khó, giữ được rừng phi lao lại càng khó hơn, cụ phải dựng chòi túc trực canh giữ. Đêm xuống, giấc ngủ cụ Lán chập chờn, lo sợ bọn xấu chặt phá cây. Nhiều người biết ơn vì có rừng phi lao chắn sóng, chắn gió, nhưng cũng có người ghen tức mà chặt phá. Cụ kể: “Năm 2009, vì ngăn người ta chặt phá cây phi lao mà tôi bị đánh gãy 7 chiếc răng và mất một đốt ngón tay út”.
Đến nay, rừng phi lao bạt ngàn, phủ dài một vùng cát trắng, bà con nơi đây thấu hiểu được việc làm của cụ. Dù cây đã lớn, có thể thu hoạch nhưng cụ Lán không bán, mỗi khi gió, bão làm gãy cây, cụ lại trồng cây thay thế. Từ khi có rừng phi lao, thiên tai, thiệt hại cũng ít đi, đất đai được ngăn chặn cát xâm lấn, được thau chua rửa mặn lại thêm màu mỡ. Giờ đây, rừng cây trải dài ôm trọn cả một vùng quê hiền hòa, ai ai cũng nể phục cụ Lán.
Không chỉ trồng phi lao chắn sóng, chắn gió bảo vệ xóm làng, mà cụ Lán còn cứu nhiều người bị đuối nước, giúp những người neo đơn vượt qua đói nghèo.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Hội cho biết: “Cụ Lán đã trồng rặng phi lao chắn sóng, chống xâm thực đất liền suốt gần 30 năm qua. Người dân cả xã Xuân Hội đều biết ơn việc làm của cụ”.
Suốt hơn 30 năm gắn bó với rừng phi lao, con cháu mong muốn cụ Lán trở vào làng sống cùng gia đình, để được hưởng niềm vui tuổi già, nhưng cụ vẫn lắc đầu. Bởi với cụ, rừng cây chắn sóng là tâm huyết cả đời, để giữ được cây, cụ đã phải đổ cả mồ hôi, nước mắt và máu.