CPI bình quân hai tháng đầu năm tăng so với cùng kì
Kinh tế 04/03/2020 08:47
Tuy nhiên, bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 5,91% so với cùng kì năm 2019. Đây là mức tăng bình quân 2 tháng đầu năm cao nhất trong 7 năm gần đây.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,04%. Có 6 nhóm giảm giá là giao thông giảm 2,5%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Nguyên nhân làm giảm CPI tháng 2 là do nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá dần trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của COVID - 19 khiến cho nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội giảm nên giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm. Một số đường biên giới chịu sự kiểm soát chặt chẽ cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam làm cho giá các loại quả tươi, chế biến giảm do nguồn cung dồi dào.
Ngoài ra, giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 14/2/2020; trong đó, giá xăng A95 giảm 740 đồng/lít, xăng E5 giảm 760 đồng/lít, dầu diezel 0,05S giảm 960 đồng/lít so với tháng trước, bình quân giá xăng dầu tháng 2/2020 giảm 5,2% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,22%.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, có một số nguyên nhân khiến CPI tháng 2/2020 tăng là do dịch COVID -19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 nên nhu cầu về một số mặt hàng y tế tăng cao làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18% so với tháng trước.
Học sinh, sinh viên được nghỉ học trong tháng 2/2020 nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng cao hơn làm chỉ số giá mặt hàng điện sinh hoạt tăng 0,44%, nước sinh hoạt tăng 0,64%.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của trận mưa lớn, mưa đá vào dịp Tết Nguyên đán tại các địa phương miền Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và xâm lấn sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng cây trồng làm cho nguồn cung rau xanh giảm, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên giá rau trong nước tăng mạnh.
Cũng trong tháng 2, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân tháng 2/2020, giá vàng trong nước tăng 2,74% so với tháng trước, dao động quanh mức 4,45 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Đối với chỉ số giá đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng nhẹ do nhu cầu các nhà đầu tư tăng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID - 19 tác động đến kinh tế thế giới. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỉ giá giữa VND và USD tháng 2/2020 khá ổn định, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 2/2020 ở quanh mức 23.300 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lí bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,94% so với cùng kì năm trước; hai tháng đầu năm 2020 so với cùng kì năm trước tăng 3,1%.
Bình quân hai tháng đầu năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: Giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng.