CPI 9 tháng tăng 3,16%
Kinh tế 12/10/2023 09:11
Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả. Nhờ thực hiện chính sách tài khóa mạnh, có các giải pháp giảm thuế, gia hạn thuế…, chúng ta đã kiểm soát được. Trong dư địa còn lại, cùng với những giải pháp điều hành phù hợp, sẽ tạo dư địa cho năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 3,66% so với cùng kì năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kì năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Về nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính cho biết, so với cùng kì năm trước, chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân tăng 71,56%, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỉ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng, cùng với đó nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, nghỉ hè đã tác động đến giá vận tải hàng không; giá vé tàu hỏa tăng 31,26%; giá vé ô tô khách tăng 8,33%.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,28%, do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,45%; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,73%, tác động làm CPI chung tăng 1,27%, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm lương thực, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, hàng hóa và dịch vụ khác tăng, tác động làm CPI chung tăng lên. Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa tác động làm giảm CPI như: Chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước giảm 15,26% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 11,26%.
Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và tài chính - ngân sách của năm 2023, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỉ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỉ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỉ đồng.
Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Dự kiến số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 38 nghìn tỉ đồng…
Thời gian tới, cùng với triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã ban hành, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát tình hình để đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng của năm 2023; rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác…