Công tác xã hội Việt Nam tiên phong, chuyên nghiệp kết nối
Tin tức 22/03/2024 14:20
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; các đơn vị thuộc/trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại sứ quán các nước; đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và các tổ chức quốc tế khác; các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ngành Công tác Xã hội trong nước và quốc tế; các trung tâm Công tác xã hội...
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn |
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nhấn mạnh: Tại Việt Nam, sau gần hơn 38 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội đã và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức như: hậu quả nặng nề từ chiến tranh, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... và không chỉ có vậy, mà ngay trong điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế những người lao động di cư từ các vùng nông thôn ra thành thị, họ làm việc ở các thành phố, làm việc ở các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, trong số đó cũng không ít những con người gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với những lao động yếu thế họ cần sự giúp đỡ tư vấn nhằm vượt qua những khó khăn, để có một cuộc sống an toàn, đảm bảo nhu cầu thiết yếu về vật chất và tinh thần, được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển toàn diện.
Công tác xã hội ngày càng trở nên cần thiết, không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Chính vì thế, xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của xã hội với chuỗi hoạt động của ngày kỉ niệm công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại trường Đại học Công đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, những người làm nghề công tác xã hội, các học viên, sinh viên một lần nữa có được cơ hội giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập, đặc biệt thông qua Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Phát triển Công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam như: Tiên phong trong chính sách an sinh xã hội và việc làm” sẽ tìm ra được giải pháp hiệu quả nhằm huy động nguồn lực, vật lực, tài lực của đất nước, xã hội để trợ giúp những người lao động, đồng thời cũng giúp họ phát huy hết khả năng vốn có để góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng và phát triển xã hội.
Các đại biểu tham dự |
Trường Đại học Công đoàn được thành lập năm 1946, vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu về thăm trường 5 lần. Với với những bước phát triển từ trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp và ngày 19/5/1992, trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành trường Đại học Công đoàn. Từ khi hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, trường đa dạng hóa các trình độ đào tạo: Trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học, liên thông, đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ với các hình thức chính quy, tập trung, vừa làm vừa học. Hiện nay trường đào tạo 12 chuyên ngành: Bảo hộ lao động, quan hệ lao động, quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, xã hội học, công tác xã hội, luật, ngành học Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, Kinh tế.
Bậc sau đại học (tiến sĩ và thạc sĩ) gồm 5 chuyên ngành: quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh, kế toán, quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, xã hội học. Quy mô đào tạo cũng không ngừng được mở rộng, lưu lượng sinh viên của trường hiện nay gần 8000 sinh viên, trong đó có các sinh viên đến từ CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Hiện tại, trường Đại học Công đoàn thuộc trong top 100 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Riêng đối với ngành Công tác xã hội, trường Đại học Công đoàn tiến hành đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội từ rất sớm, bắt đầu từ năm 2003. Sau hơn 20 năm, trường đã đào tạo nhiều nghìn cử nhân ngành công tác xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các sinh viên ngành công tác xã hội tốt nghiệp ra trường hiện đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, họ đã góp phần của mình vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đến nay, Công tác xã hội đã phát triển rộng khắp, trở thành một ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của kinh tế và đời sống, ngành công tác xã hội đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành một nghề chính thức, được xã hội công nhận, được đào tạo chuyên môn với hệ thống mô hình tổ chức ngày càng hoàn thiện, đa dạng. Sự phát triển của ngành công tác xã hội thời gian qua đã giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, có điều kiện tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong các đối tượng cần sự chăm sóc, hỗ trợ của ngành công tác xã hội, công nhân, lao động là một lực lượng có số lượng đông đảo.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cơ cấu lao động tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, phân tầng xã hội rõ ràng hơn. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các địa phương tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và lao động khu vực phi chính thức tiếp tục có xu hướng gia tăng. Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, trợ giúp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động mong muốn toàn xã hội chung tay cùng với tổ chức Công đoàn, thực hiện tốt công tác xã hội cho người lao động, trọng tâm là một số nội dung:
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Ông Nguyễn Xuân Hùng cho hay: Để đẩy mạnh nhiệm vụ công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết những vấn đề người lao động gặp phải khi làm việc trong các doanh nghiệp như: An sinh xã hội; thiếu, giảm hoặc bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập, khó khăn về nhà ở, xung đột trong các mối quan hệ với người sử dụng lao động, stress, tệ nạn xã hội...; những vấn đề về gia đình của người lao động như: Tình yêu, hôn nhân, bạo lực gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái, sức khoẻ sinh sản, quản lý tài chính, chăm sóc cha mẹ già.... Thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp; kết nối các nguồn lực hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham vấn, tư vấn tâm lý... khi người lao động có nhu cầu.
Tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ người lao động, con của người lao động, để họ và gia đình được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, các thiết chế văn hóa, thể thao và được trợ giúp pháp lý. Các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo ngành công tác xã hội, trong đó có Trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo ngành công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế, có nội dung chuyên sâu về công tác xã hội cho đối tượng là người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ làm công tác đào tạo nghề công tác xã hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, bộ, ngành liên quan để ngành công tác xã hội nói chung, ngành công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn nói riêng ngày càng phát triển. Đồng thời, góp phần quan trọng vào kết quả công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn.