Có nên mô phỏng?
Xã hội 09/06/2020 09:16
Tuy nhiên khi đến gần, không ít người thất vọng vì đây chỉ là chiếc cọn làm bằng… sắt đã hoen gỉ, mang tính biểu tượng chứ không phải là chiếc cọn làm bằng tre nứa truyền thống.
Cọn nước là công cụ sản xuất của đồng bào nhiều dân tộc miền núi phía Bắc có tập quán canh tác lúa nước như Tày, Nùng, Thái, Mường… Do cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, đồng bào sớm biết chế tạo và sử dụng cọn dẫn nước vào tưới ruộng, hoặc đưa về bản làng để sinh hoạt. Cọn nước có nhiều kích cỡ, tùy theo ý định, khả năng và nhu cầu sử dụng nước của từng gia đình. Chiếc cọn cỡ nhỏ đường kính khoảng 2 - 3 mét, cọn cỡ lớn có thể có đường kính đến 7 - 8 mét.
Cọn làm bằng sắt đã hư hỏng ở Khu Di tích |
Nét riêng của cọn nước là được làm bằng những vật liệu lấy từ thiên nhiên. Trục của cọn là loại gỗ tốt, chịu nước. Nan cọn làm bằng những cây nứa, cây sặt già to đều nhau, số lượng và độ dài nan tùy theo kích thước cọn. Nguyên lí quay của cọn là nhờ sức nước chảy của sông suối. Nước chảy càng mạnh thì cọn càng quay nhanh nên đồng bào lựa chọn các khúc suối gần nơi canh tác để dựng cọn. Nếu nước chảy yếu thì dùng đá cuội và lá chuối, cỏ rác đắp phai ngăn suối tạo mực nước chênh lệch khiến dòng chảy mạnh hơn. Để tiết kiệm công sức và thể hiện sự cố kết cộng đồng, thường 3 - 4 nhà có ruộng gần nhau làm chung một cọn. Có những đoạn suối, đồng bào dựng hàng chục cọn nước gần nhau, cái nọ nối tiếp cái kia và từ đó những máng nước chảy đi khắp các tràn ruộng hay về từng gia đình, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ.
Khu Di tích Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng |
Theo các cụ cao tuổi người dân tộc Tày, Thái…, để hoàn thành một chiếc cọn, người làm cọn phải cẩn trọng lựa chọn từng cây nứa, cây vầu; tỉ mỉ từng nhát đục, nút lạt, mối nối. Mỗi chiếc cọn được hoàn thành như một công trình kiến trúc, một tác phẩm nghệ thuật, vừa giúp dẫn nước, vừa có “hồn” riêng tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng miền.
Trở lại với chiếc cọn nước ở Khu Di tích Anh hùng - Liệt sĩ Kim Đồng, có thể vì kinh phí hoặc để sử dụng lâu bền, ít phải sửa chữa mà Ban quản lí làm bằng sắt thay vì gỗ, nứa, nhưng điều đáng tiếc ở đây là cọn không… quay. Khu di tích ở địa hình rất đẹp, lưng tựa vào núi đá cao, mặt nhìn ra cánh đồng với dòng suối chỉ cách vài trăm mét. Lòng suối tuy không rộng nhưng nước suối chảy đều, chỉ cần đắp phai ngăn suối cho nước chảy mạnh ở nơi đặt cọn là ổn. Nếu đầu tư làm cọn giống như nguyên bản bằng các vật liệu tự nhiên, với đường ống bương dẫn nước vào Khu Di tích để tưới cây, tưới hoa và cho du khách rửa mặt mũi, tay chân thì hay biết mấy.
Du khách đến Khu Di tích, ngoài mục đích thăm viếng, tưởng nhớ Anh hùng - Liệt sĩ Kim Đồng, họ còn mong muốn được chiêm ngưỡng, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê cách mạng Cao Bằng. Đây cũng là điều thu hút du khách đến với Khu Di tích và Cao Bằng nhiều hơn. Vậy thì có đầu tư làm vài chiếc cọn nước như thật cũng là điều cần thiết và đáng giá chứ không nên mô phỏng.