Vai trò của người cao tuổi trong gia đình người Sán Chỉ
Xã hội 18/12/2024 09:00
Đến xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tôi ấn tượng khi thấy trên những quả đồi, nhiều ngôi nhà liền kề sát vách nhau. Qua tìm hiểu, tôi được biết, đó là những ngôi nhà lớn, có khi đến 4 thế hệ người Sán Chỉ sống trong đó. Trong các ngôi nhà, vai trò, tiếng nói của NCT rất được tôn trọng. Ngày nay ở Đại Dực, cuộc sống thị trường đã hình thành, thế nhưng có một thời Đại Dực rất khó khăn, đường sá đi vào xã gần như chỉ cuốc bộ mà không chạy được xe cơ giới. Khi đó, chuyện để dựng một ngôi nhà với các gia đình người Sán Chỉ thật vất vả, nếu không được sự hỗ trợ của làng xóm, sự đoàn kết trong các gia đình.
Trước đây, khi trong làng có người làm nhà, NCT khuyên bảo con cháu trong gia đình mình đến giúp gia đình làm nhà. Công việc được phân công rõ ràng, người biết xây, người làm mộc, người biết làm gì làm việc đó, cùng nhau góp sức, góp công để hình thành ngôi nhà. Những người không biết kĩ thuật thì làm các việc khuân, bê, bưng, vác hoặc thổi cơm phục vụ. Cứ như thế, cả thôn rồi cả xã, thậm chí cả những xã lân cận hoặc những xã xa hơn có người Sán Chỉ sinh sống, mỗi khi có ai đó làm nhà, chỉ cần báo tin cho người quen của mình biết, là các gia đình lại bảo nhau đến giúp. Vì thế mà một thời gian khó, bà con trong xã đều làm được nhà mà không cần phải thuê thợ từ nơi khác đến mất nhiều tiền công. Không chỉ làm nhà mà các công việc làm rừng, ruộng, bà con cũng giúp đỡ nhau theo kiểu làm đổi công.
Phụ nữ cao tuổi người Sán Chỉ trong một lễ hội. |
Hầu như người Sán Chỉ nào cũng biết hát Soóng cọ, một lối hát giao duyên đã được truyền từ đời ông bà họ và trước đó rất lâu. Bởi trong cuộc sống của họ không biết hát cũng đồng nghĩa họ sẽ bị yếu thế nhiều mặt, nhất là chuyện tìm bạn đời. Các chàng trai, cô gái thường tìm đến nhau qua các buổi hò hẹn, hát hò. Cuộc sống của người Sán Chỉ khó có thể tách rời những vạt rừng, thửa ruộng, khe suối vì đó là những nơi họ trao cho nhau từng câu hát, khi lời hát đã đủ hòa nhịp ăn ý, họ có thể đến với nhau rồi cùng nắm tay đi với nhau suốt cuộc đời. Khi đã thành đôi, vợ chồng về sinh sống với nhau, người Sán Chỉ cũng vẫn thường xuyên hò hát.
Ngày nay, giao thông đi lại giữa Đại Dực và các địa phương khác đã thuận lợi hơn nhiều, phố phường đã đổi thay và nhiều loại hình văn hóa đã du nhập vào Đại Dực. Tuy thế, văn hóa truyền thống ở Đại Dực vẫn không bị nhạt phai, lớp trẻ vẫn biết hát Soóng cọ, vì họ được ông bà, cha mẹ truyền lại và tiếng nói của NCT về giữ gìn văn hóa dân tộc rất được lớp trẻ nghe theo.
Già làng Lỷ A Sáng, ở thôn Phài Giác, xã Đại Dực năm nay đã 75 tuổi, nhưng luôn là tấm gương sáng mẫu mực trong việc bảo tồn văn hóa Sán Chỉ. Ông Sáng là một trong số ít người còn nắm giữ, thuộc cách trình diễn, múa hát và thực hành nghi lễ cầu mùa, cầu an ở tỉnh Quảng Ninh. Cùng với việc góp công phục dựng lại lễ cầu mùa theo đúng nguyên bản, ông tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương. Ông Lỷ A Sáng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ Nhân dân gian Việt Nam” năm 2014, vì đã có công thực hành truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an dân tộc Sán Chỉ. Trao đổi với chúng tôi, ông Sáng cho biết: Trong các gia đình người Sán Chỉ, tiếng nói của NCT bao giờ cũng được trân trọng nhất, NCT trong các gia đình luôn khuyên con cháu về sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm và không bao giờ được quên truyền thống của dân tộc mình từ xa xưa để lại và được con cháu nhất nhất nghe theo. Chính vì thế cho đến nay, văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ ở Đại Dực đã không mất đi mà ngày càng được tô đẹp thêm.