Tổ chức kỉ niệm Ngày Thành lập QĐND Việt Nam và Ngày Hội Quốc phòng toàn dân
Xã hội 20/12/2024 10:34
Tại chương trình diễn ra các hoạt động: Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và anh hùng liệt sĩ; chương trình văn nghệ về truyền thống 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944 - 22/12/2024) và Đội BĐ67B Gò Vấp; trao tặng quà tri ân một số gia đình thương binh liệt sĩ, cơ sở cách mạng thuộc Đội BĐ67B; trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp và Giấy khen cho học viên là sĩ quan học tại các lớp tiếng Khmer, do Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer thuộc Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. |
Đình An Hội tọa lạc trong khuôn viên miếu Võ Tiên Sư, miếu Bà Chúa Ngọc, phường 8, quận Gò Vấp. Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ, mang đặc trưng kiến trúc vùng Nam Bộ. Đình An Hội ngày nay hội tụ nhiều công trình đình, miếu, nhà thờ họ tộc, đài tưởng niệm các liệt sĩ, phối tự nhiều đối tượng thờ cúng, nhưng không gian thờ tự vẫn được Ban trị sự đình và cư dân địa phương giữ gìn, chăm sóc cẩn thận. Khuôn viên đình An Hội thông thoáng, sạch sẽ; chiêm bái nghiêm trang; phát huy tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ đó tiếp tục quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa đến với thế hệ trẻ và người dân gần xa về vùng đất Gò Vấp trong quá khứ và vươn lên phát triển.
Miếu Sa Tân thuộc phường 5, quận Gò Vấp trải qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ nhưng kiến trúc miếu vẫn lưu giữ nét kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ và chịu sự ảnh hưởng của phong cách kiến trúc, trang trí Trung Hoa. Hiện nay chưa xác định được kiến trúc miếu Sa Tân được xây dựng từ năm nào. Tuy nhiên, theo một số cụ cao niên trong vùng cho rằng, miếu được xây dựng vào thế kỉ XIX bên bờ sông Bến Cát (nay là sông Vàm Thuật) thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng, huyện Gò Vấp (quận Gò Vấp ngày nay). Trước đây, mặt tiền của ngôi miếu Sa Tân quay về hướng dòng sông Bến Cát. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên Ban trị sự quyết định hướng mặt tiền miếu như hiện nay giáp đường Trần Bá Giao (dấu tích còn lại là 2 con rồng trên vách tường chính điện). Ngoài ra, trong khuôn viên miếu Sa Tân còn có một lối đi nội bộ, lối đi này dẫn ra bến đò kết nối với di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Nổi nằm giữa dòng sông Vàm Thuật để người dân, khách tham quan có thể thuận lợi đến chiêm ngưỡng, cúng bái, tham quan, nghiên cứu tại miếu Sa Tân rồi sau đó tiếp tục đi đến miếu Nổ. Đây chính là lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân, quảng bá về giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của quận Gò Vấp nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung.
Với những giá trị nghệ thuật và lịch sử như trên, đình An Hội và miếu Sa Tân đã được UBND TP Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Đây là cơ sở pháp lí tạo điều kiện cho việc quản lí, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, phát huy giá trị di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật trong cộng đồng dân cư, làm đẹp thêm vùng đất Gò Vấp trong phát triển và hội nhập.