Chuyện “vua chuối” của lão nông triệu phú “đô la”
Tuổi cao gương sáng 21/09/2022 15:42
Ông Võ Quan Huy |
Lão nông Võ Quan Huy, 67 tuổi, ngụ tại xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện đang là chủ của những nông trường trồng cây ăn trái, nuôi bò, nuôi tôm rộng hàng trăm hecta. Trải qua hàng thập niên thất bại, nợ nần, đã thành công vượt bậc với cái tên "vua" chuối.
Ông Huy kể, đồng đất quê ông trước đây bị gọi là đất chết, phèn nặng không cây gì sống nổi ngoài tràm nên "chẳng làm ăn gì được". Năm 1978, với chính sách khai hoang của Nhà nước, chàng trai Út Huy mới ngoài hai mươi đã xin mẹ rời quê lên Tây Ninh thuê đất để khởi nghiệp trồng mía. Vụ mía đầu tiên của ông Huy thực sự là vụ "mía đắng". Lụt về khiến cả ruộng múa chết, ông Huy mất công, mất của lại còn mang nợ. Ông phải đi làm thuê 2 năm mới gom đủ tiền trả nợ. Sạch nợ ở Tây Ninh, ông Huy lại sang Bình Dương và vẫn quyết tâm trồng mía. Dù có tâm trồng cây nhưng cây không mọc, ông Huy phải chịu lỗ, lại tiếp tục nợ. Phải mất đến 6 năm ròng ông mới dứt nợ ở đất Bình Dương.
Tích cóp có dư chút đỉnh ông lại vay thêm vốn, đưa cây mía về quê trồng, nhưng phèn lên khiến mía chết sạch, lại lỗ nữa. Thế là thập kỉ toàn thất bại. Thất bại dẫn đến nợ nần, nhưng không làm nữa thì không có tiền trả nợ, ông Huy “chơi lớn” thuê hẳn khu đất to để làm ăn lớn với quyết tâm phải thành công.
240ha đất ông Huy thuê làm trang trại thuộc xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có thể ngó thấy biên giới, xung quanh chỉ có đồng hoang với rừng tràm heo hút, ông Huy thuê người đào kênh, đắp đê bao quanh nông trại của mình. Mảnh đất hơn 2km2 nhưng ông cho đào đến gần 20km kênh rạch. Những bờ đê bao quanh cũng vững như thành lũy khiến phèn mặn không cách nào xâm nhập.
Dần dần, sự vất vả bao năm cũng thu về kết quả, mía ngọt dần, ông Huy dần khấm khá.
Bước ngoặt “vua chuối”…
Khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN dần đi vào thực tiễn, ngành mía đường Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với ngành đường Thái Lan nên ông dứt trồng mía sớm để chuyển sang trồng cây khác khiến không ít người sửng sốt.
Một thời gian ngắn sau đó, ngành đường và ngành trồng mía của Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL lụi dần, nhiều nhà máy thua lỗ, đóng cửa, mọi người mới phục nể sự thức thời của ông. Dù vậy, việc chuyển đổi cây trồng đột ngột cũng khiến lão nông không khỏi liêu xiêu. Trong gần 15 năm sau đó, ông Huy đã thay đổi cả chục loại cây trồng nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong đợi, một phần do thị trường biến động, một phần do thiếu kĩ thuật canh tác.
Đến năm 2014, sau khi khảo sát các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Huy nhận thấy tiềm năng xuất khẩu trái chuối rất lớn nên quyết định trồng thí điểm một diện tích nhỏ để chào hàng.
"Trung Quốc thích dòng chuối bự. Hàn Quốc, Nhật Bản lại chuộng chuối nhỏ, mình cũng lựa hàng cho hợp thị trường. Năm vừa rồi tôi bán được 10 nghìn tấn chuối, thu 8 triệu USD, năm nay dự kiến xuất được 15 nghìn tấn, thu khoảng 12 triệu USD", ông Huy chia sẻ.
Từ nông dân thành doanh nhân nhờ vườn chuối được đầu tư bài bản |
Từ một nông dân phải chạy ăn từng bữa, sau hơn 40 năm, đến nay ông Huy đã có nhiều trang trại nuôi trồng trải khắp nhiều tỉnh, thuê hàng nghìn lao động làm việc thường xuyên và mùa vụ.
Ông Huy chia sẻ, vì cũng đã từng là nông dân chặt từng cây mía mang bán cho nhà máy, cũng chịu cảnh được mùa mất giá, dừng tay là hết tiền nên khi trở thành doanh nhân liên kết với nông dân để sản xuất, ông hiểu rất rõ những khó khăn, những mong muốn và tâm tư của từng đối tác, từ đó mà tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của cả hai phía.
"Tôi có cơ ngơi này là từ cây mía, từ một nông dân chính hiệu. Ngày xưa mình làm nông dân, không lạ gì cái khó của nông dân. Nông dân thì thiếu vốn, nuôi trồng theo phong trào, thấy ai nuôi, ai trồng được lợi là ồ ạt làm theo. Những chuyện được giá thì nông dân bẻ kèo, mất giá thì doanh nghiệp bỏ cọc cũng chẳng lạ lẫm gì cả. Vì thế khi đứng vai trò doanh nghiệp, để không rơi vào vòng luẩn quẩn đó, thay vì liên kết nông dân nuôi trồng, doanh nghiệp tiêu thụ như truyền thống, tôi chọn hùn vốn với nông dân. Nông dân bỏ công, bỏ đất và một phần vốn, tôi bỏ kĩ thuật và phần vốn còn lại".
Dù đã trở thành doanh nhân triệu đô nhưng ngày ngày ông Huy vẫn có mặt ở trang trại, có thể làm thuần thục mọi khâu trong quá trình sản xuất. Ra vườn chuối, ông Huy có thể nhổ cỏ, bón phân, hướng dẫn kĩ thuật cắt tỉa cho công nhân, vào nhà xưởng ông Huy có thể kiểm hàng, đóng gói, bốc vác.
Lá lành đùm lá rách
Trong trang trại chuối ở Long An, ông Huy đang sử dụng khoảng 300 lao động, trong đó quá nửa là người dân tộc Khmer, vốn từng vô gia cư, không biết chữ. Việc ông Huy chấp nhận cho những người không có trình độ, thiếu kỉ luật vào nông trại làm việc đã là một chuyện hi hữu. Nhưng không chỉ vậy, ông còn để họ đưa theo cha mẹ, vợ con đến ở cùng.
"Ngày họ mới đến lôi thôi lếch thếch lắm, ngoài bộ đồ trên người thì chẳng có gì cả. Mỗi gia đình thường có trên dưới 10 thành viên mà không một ai biết chữ. Nhưng thôi, mình chấp nhận, đào tạo từ từ. Về đây, họ bỏ được tật rượu chè bê tha, sống kỉ luật hơn. Con cái họ cũng được đi học hành, coi như cũng là mình cũng đóng góp một phần cho xã hội", ông Huy tâm sự.
Trong khu nhà ở công nhân của ông Huy, gia đình nào cũng có tivi, tủ lạnh, đời sống bảo đảm.
Ông Huy tự hào bản thân là một trong số ít doanh nhân bỏ tiền xây nhà, bao ăn ở cho cả cha mẹ và con cái người lao động. |
Anh Nguyễn Văn Trệt, 36 tuổi, một trong những công nhân nội trú của trang trại chuối chia sẻ: "Mọi người ở đây ngày xưa hầu hết đều ở lán ngoài biên giới, dép cũng chẳng có đi nên đến giờ nhiều người vẫn chưa quen đi dép. Về đây có chỗ ăn ở, có việc làm, mình mới nuôi nổi cha mẹ, vợ con. Về đây cũng bỏ được tật rượu chè. Hai vợ chồng đi làm, nuôi mẹ già với 5 đứa nhỏ. Đi làm đều, mỗi người cũng được 8 triệu đồng mỗi tháng, gần Tết thì nhiều hơn, làm đúng giờ, cuối tuần nghỉ. Gạo với mọi thứ thì ông Huy cho rồi nên cũng không phải lo gì nhiều".
Ông Nguyễn Văn Niên, 74 tuổi và bà Lý Thị Cồn, 65 tuổi đã sống gần cả cuộc đời lênh đênh trên thuyền. 6 năm trước, ông bà theo con trai và 5 đứa cháu về trang trại chuối ở. Ông Niên bảo, lên bờ lâu rồi nhưng vẫn chưa quen, đi vẫn chòng chành chưa vững. "Cả đời mình ở thuyền, cũng không nghĩ được sau này ra sao. Giờ theo con cháu về đây, vẫn chưa quen đi dép nên cứ đi chân không cho chắc. Ở đây yên vui, con cháu được đi học cũng mừng lắm", ông Niên nói.
Ông Phạm Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình cho biết, ông Võ Quan Huy là một trong những nông dân, doanh nhân tiêu biểu của tỉnh. Việc ông Huy xây nhà ở, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động vô gia cư đã giải quyết được vấn đề xã hội rất lớn cho địa phương. Ngoài ra, hằng năm ông Huy còn hỗ trợ cho khoảng 100 hộ nghèo, cận nghèo của địa phương cải thiện cuộc sống cũng như đóng góp rất lớn cho công tác giáo dục của xã.