Chuyên đề dạy học Ngữ Văn theo định hướng phát triển năng lực kết hợp chuyển đổi số
Giáo dục 22/12/2022 13:07
Sáng 21/12, Tổ Ngữ văn Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP. Hồ Chí Minh tổ chức báo cáo chuyên đề “Dạy học Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực kết hợp chuyển đổi số” nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong dạy học, góp phần hình thành năng lực giải quyết vấn đề của học sinh trung học, đẩy mạnh tổ chức đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và gắn liền giáo dục trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống.
Giáo viên và học sinh tham gia dự án dạy học Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực kết hợp chuyển đổi số biểu diễn văn nghệ |
Cô Lê Thị Hoài Thanh, nhấn mạnh: Để chuyển đổi số trong dạy học đạt hiệu quả cần nhấn mạnh đến yếu tố con người và vấn đề nhận thức, năng lực. Có hiểu đúng về chuyển đổi số và mức độ cấp thiết thì học sinh mới tích cực tự học, tham gia tập huấn và triển khai thực tế. Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng. Điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người học, người thầy, người dân làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm để thấy được lợi ích của chuyển đổi số.
Các sản phẩm "cây nhà lá vườn" do tổ Ngữ văn làm |
Được biết, sau hành trình gần 3 tháng miệt mài thực hiện, nhóm giáo viên hướng dẫn gồm cô Lê Thị Hoài Thanh, cô Nguyễn Thị Như Trang và cô Phan Kim Thoa đã trở thành người dẫn đường cho 5 nhóm học sinh khối lớp 10 và lớp 11 chuyển giao nhiệm vụ học tập để có nhiều loại sản phẩm “cây nhà lá vườn” phục vụ cho hứng thú và đam mê học tập bộ môn Ngữ văn thông qua ứng dụng kỹ thuật – công nghệ thông tin như: Làm phim, cắt ghép, quay phim, chụp hình, tạo trang Web, thiết kế trang và Admin; thiết kế trang facebook cho tác giả văn học; thiết kế game bằng phần mềm Kahoot; thiết kế thiệp mời, bookmark, ppt bằng canvas... Giúp học sinh biết cách phát huy những năng khiếu vốn có của mình như: Viết văn, đọc sách và làm nhật kí đọc sách; dẫn chương trình (Nói tự tin trước mọi người), viết kịch bản, phân vai, thực hành thiết kế powerpoint, poster, đóng kịch, thiết kế 3D phông nền sân khấu, soạn thảo văn bản; chơi nhạc cụ, làm đạo diễn... Từ đó, giúp học sinh dễ dàng nắm vững nội dung của một văn bản văn học.
Sản phẩm tự tay người học
Ngay từ những phút đầu tiên của buổi báo cáo chuyên đề, không khí chuyển đổi số đã được lan tỏa khắp các nhóm, từng cá nhân ở đề mục “Gam - nhận quà cùng Team số hóa”. Chiếc chìa khóa để mở được cánh cửa đề mục chính là mã QR, mã pin game Kahooh để các em bước vào sân chơi thú vị này. Hương vị chuyển đổi số đồng thời được vận dụng ngay trong 3 tiết mục văn nghệ mở màn. Cũng là dân ca quan họ Bắc Ninh Bèo dạt mây trôi, bài thơ tứ tuyệt Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay đến bài Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh nhưng các tiết mục đã được các nhóm làm mới khi kết hợp với video clip chiếu trên màn hình. Các em lên sân khấu biểu diễn và cũng chính các em thiết kế clip nên có lẽ ngay từ khi lựa chọn tiết mục chất văn chương đã bắt đầu thấm vào máu thịt của từng thành viên.
Nhóm giáo viên tổ Ngữ văn tham gia hướng dẫn dự án dạy học Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực kết hợp chuyển đổi số |
Em Trần Ngọc Chung, lớp 11A6 mang đến cho chương trình một tiết mục đọc rap tự biên tự diễn rất mới lạ theo bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Ngọc Chung cho biết, các tác phẩm văn vần trong chương trình được rap hóa khi thưởng thức sẽ hấp dẫn hơn, đặc biệt là chữa được bệnh buồn ngủ khi học bài. Đối với em, rap vừa là món ăn tinh thần vừa là liều thuốc quý cho học tập mà em đã đam mê và không muốn dừng lại ở tiết mục này.
Trước khi được lắng nghe những sản phẩm bằng âm nhạc của các nhóm, các vị khách từ các trường THPT trong cụm chuyên môn đã được ngắm nhìn những sản phẩm của chuyên đề bằng những bức tranh vẽ ấn tượng dọc hành lang. Với chất liệu màu nước và quá trình tìm hiểu công phu, em Quang Vinh, lớp 10A6 đã cho ra đời bức tranh về câu chuyện thần thoại nước ngoài. Trí tưởng tượng bay bổng của người học sĩ áo trắng đã được thể hiện qua những nét chấm phá đặc sắc để thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm văn học nổi tiếng. Giành được giải thưởng cao, bức tranh đã có chỗ đứng ngay trong lòng người thưởng lãm.
Đông đảo giáo viên trong cụm và học sinh tham dự tiết báo cáo chuyên đề |
Hai bạn Phương Phi và Phương Hà lớp 10A12 lại đưa người xem trở về câu chuyện truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy với bức tranh khổ lớn qua lát cắt đau lòng khi nhà vua quay đầu lại chém người con gái yêu quý của mình trên đường chạy thoát ra biển. Bài học về lòng chung thủy, về tinh thần cảnh giác cao độ không cần nói bằng lời mà tự thân những nét cọ chứa nên sức mạnh ngầm trong liên tưởng người ngắm tranh. Dù là tranh Đông Hồ như bức Thiên hạ thái bình cũng gửi tới người xem 1 tuyên ngôn về tình yêu, về lẽ sống và niềm lạc quan nhân sinh. Bàn tay các em chắc chắn đã trưởng thành hơn, điêu luyện hơn từ những nét vẽ hồn nhiên, vụng dại nhưng đầy triết lý được chiếu rọi từ bài học trên lớp và sắc màu cuộc sống ngoài đời.
Theo báo cáo của cô Nguyễn Thị Như Trang, nhóm Điện ảnh có nhiều em học sinh đăng ký tham gia nhất. Điều đó cũng không có gì khó hiểu khi môn nghệ thuật thứ bảy luôn đem lại những cảm quan nghệ thuật lung linh cho con người và cuộc sống. Thông qua chuyên đề, từ những tiết học online các nhân vật đã bước ra từng trang sách để đến với màn ảnh rộng qua bàn tay phù phép của các nhà quay phim, đạo diễn, diễn viên nghiệp dư nhưng không hề thiếu sự đam mê và lửa nhiệt tình.
Bài thu hoạch về phẩm chất và đam mê
Tuy không rầm rộ như các chủ điểm khác nhưng nhóm “Tập làm nhà nghiên cứu” lại có một chiều sâu lắng đọng khi điều tra tìm hiểu tâm lý phụ huynh học sinh so sánh con mình với con người ta. Thông qua việc tìm kiếm công phu và lưu trữ đánh giá đối tượng chính xác các em càng hiểu đấng sinh thành của mình hơn, mong muốn cha mẹ chia sẻ cùng con cái, không nên so sánh con mình với con người ta, đừng để con mình trở thành nạn nhân của con người ta.
Đó là những bài học về phẩm chất mà các em rút ra được từ nhiều phía, qua đó bồi dưỡng xây đắp mạch tâm hồn, hình thành dòng chảy nhân cách và phát triển chiều sâu cá tính.
Đứng ở đích cuối để nhìn lại, cô Phan Kim Thoa đánh giá: “Sau 80 ngày làm việc cả thầy và trò đã đi qua nhiều trải nghiệm khi vào vai nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo để có 130 sản phẩm phục vụ việc học để có nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng đó cũng chính là thời gian ghi lại nhiều bài học sâu sắc, kỷ niệm đẹp để có thêm khoảng cách gần gũi giữa thầy và trò, giúp các em ứng dụng nhiều thành quả CNTT”.