Chùa Chanh điểm đến tâm linh của người dân trong vùng và du khách gần xa
Nhịp sống văn hóa 08/03/2022 14:14
Chùa Chanh trong ký ức người cao tuổi
Cổng chùa Hưng Phúc làng Khê Chanh |
Chùa Chanh được xây dựng trên một quả đồi, người dân thường gọi là núi chùa Chanh, phía đông núi chùa Chanh là núi Nguyệt Lĩnh, trên núi Nguyệt Lĩnh là đền Quỳnh Lâu, thờ mẫu Liễu Hạnh, người dân thường gọi là đền Nguyệt Lĩnh. Đền Nguyệt Lĩnh quay về hướng Đông, chùa Chanh quay về hướng Tây, lưng tựa sơn. Quần thể chùa Chanh gồm đền Mẫu, nhà thờ Tổ, Tam Bảo, và một số công trình kiến trúc khác được thiết kế xây dựng kiên cố. Sân chùa rộng hàng trăm mét vuông, được lát gạch đỏ 30cm x30 cm, trước sân có hồ bán nguyệt rộng khoảng hơn một sào, bờ hồ được xây bằng đá xanh, thành và lan can, bậc lên xuống hai bên được xây, trát đẹp để quý, phật tử xuống rửa tay, chân cho cá ăn và ngắm cảnh, ở giữa có hòn non bộ trồng si và được cắt tỉa tạo dáng. Giếng chùa được đào và khoanh, xếp bằng đá dưới chân núi, nước trong vắt, quanh năm đầy ắp nước.
Tháp chuông được xây dựng hai tầng, tầng trên được treo Đại Hồng Chung, đường kính ước chừng hai người ôm, khi thỉnh, chuông ngân vang cả một vùng. Tầng trệt được làm nhà bia. Bia đá được tiền nhân đục đẽo, khắc chữ Hán rất tinh xảo, mặt bia rộng hơn một mét, cao vượt qua đầu người, vườn chùa có nhiều cây gạo, trong đó có một cây đường kính ba người ôm không hết, cao chót vót, tháng ba mùa hoa gạo nở đỏ cả một vùng, là điểm hẹn của những đàn sáo đen đến kiếm mồi, “vui chơi”. Đối diện với cây gạo là một cây đa to xòe bóng mát rộng mấy sào ruộng. Cũng trong khuôn viên chùa có một khu đất rộng khoảng năm đến bảy sào, thường là sân bãi tổ chức văn nghệ và điểm chiếu phim của Đội 56 lúc bấy giờ. Vườn chùa Chanh có vài chục cây nhãn, cây mít cả trăm năm tuổi đến mùa hoa quả xum xuê, ngoài ra nhà chùa còn có nhiều sào ruộng canh tác ở khu Đồng Nội.
Với một quần thể các công trình được quy hoạch, thiết kế và xây dựng hiện đại, nằm trên độ cao khoảng 50 mét so với các cánh đồng làng, vườn cây quanh năm rợp mát luôn là điểm đến của nam thanh, nữ tú của làng và khách thập phương…Theo bà Vũ Thị Chung, 74 tuổi, một trong những phật tử của chùa Chanh thì chùa đối với bà và những người dân trong làng không chỉ là công trình kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, chùa còn là biểu tượng khát vọng của người dân. Sau những tất bật mưu sinh, đến chùa ai cũng cảm thấy sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn. Vì thế, dù có đi đâu, thì hình ảnh ngôi chùa cũng in đậm trong tâm trí, kỷ niệm của những người từng sinh ra và lớn lên ở làng, gắn bó với tiếng chuông chùa. Trong những năm đầu của thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, ngoài là điểm sinh hoạt cộng đồng, chùa Chanh còn là điểm trường cấp I, của đám trẻ hai làng Quỳnh Lâu và Khê Chanh.
Theo đó, chùa Chanh thường có hai lớp học buổi sáng và hai lớp học buổi chiều, một lớp học ở nhà Tam Bảo, một lớp học ở nhà thờ Tổ. Sân chùa là nơi vui chơi, nơi tập thể dục giữa giờ của học sinh lúc bấy giờ, gác chuông nhà chùa là nơi trẻ trốn học hoặc đi học muộn trèo lên đó đánh bài và chờ đợi giờ lên lớp. Tiếc thay, vạn vật vô thường, do tư tưởng ấu trĩ, nhìn nhận hạn chế của một thời về văn hoá cũ nên chùa Chanh và đền Nguyệt Lĩnh đã bị phá và hầu như bị san phẳng. Theo đó, giữa những năm 70 của thế kỷ trước, khi làm hệ thống kênh mương thủy lợi Yên Lập, người ta đã phá đền Nguyệt Lĩnh lấy đất đắp mương, phá chùa Chanh để lấy mặt bằng xây trường cấp I Cộng Hòa, nay là trường tiểu học Nguyễn Bình. Đằng sau việc phá đền, phá chùa có rất nhiều chuyện để nói, chỉ biết rằng quần thể lịch sử, văn hóa chùa Chanh chỉ còn sót lại gồm một cổng chào được xây dựng và khánh thành mùa xuân năm Tân Tỵ thời Bảo Đại(1941), và một ngôi nhà ngói ba gian phối hưởng bi.
Cổng chào chùa với bức đại tự “Khê hương linh tích” (Di tích linh thiêng làng Khê Chanh). Hai câu đối ở cổng; Cận gian phúc tự tiên từ thần tịch cổ chung trần tâm cơ tịnh/Viễn tiếp La Sơn Đằng thủy tả hữu khâm đới thắng tích do tồn. (Gần chùa Hưng Phúc, đền Tiên Sơn sớm chiều chuông trống tiêu trần tục/ Xa tiếp La Sơn, Bạch Đằng tả hữu bao bọc thắng tích mãi còn). Còn ngôi nhà ba gian lợp ngói trong đó có một tấm bia đá được đặt trang trọng ở ban thờ gian trung tâm, thờ Cụ Minh nghĩa Đô úy, hàm tứ phẩm, nguyên là Quản vệ được sung chức Đốc binh thủy đạo tỉnh Quảng Yên, Vũ Quý Công, tên húy (Đoan) thụy Tráng Dực phủ quân, và cụ bà chính thất của cụ được cáo thụ chức Minh nghĩa Đô úy, họ Nguyễn, húy Bì Cung. (bia do cán bộ của Viện Hán Nôm dịch). Tiếc những tài sản đã được tiền nhân đã tạo dựng, đặc biệt là số tượng Phật của nhà chùa, các Phật tử làng Khê Chanh và quanh vùng cùng nhau phát tâm dựng lại ngôi Tam bảo nhỏ để bảo vệ tượng Phật và cũng là nơi hương khói những ngày tuần rằm. Bởi họ luôn nghĩ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Bia đá thờ Đốc binh thủy đạo tỉnh Quảng Yên, cụ Vũ Quý Công và cụ bà họ Nguyễn được lưu thờ tại chùa Chanh. |
Sư cô Thích nữ Tịnh Minh, người làm sống lại cụm di tích lịch sử, văn hóa chùa Chanh.
Bà Lê Thị Toan, một phật tử của chùa Chanh chia sẻ; chúng tôi không để đâu hết nỗi mừng, chỉ nghĩ rằng sau khi chùa bị phá, nhằm giữ lại một phần tài sản, linh tích mà tiền nhân để lại, quyên góp, hưng công xây dựng ba gian nhà nhỏ làm Tam bảo, trải qua những thăng, trầm nhưng đến nay cụm di tích chùa Chanh đang dần được bảo tồn và tôn tạo. Bà cho biết cái “duyên” của làng là gặp được Sư cô Thích nữ Tịnh Minh. Theo đó, cuối năm 2014, Sư cô Thích nữ Tịnh Minh tốt nghiệp Học viện Phật Giáo, năm 2015, Sư cô về trụ trì chùa Chanh. Tâm huyết với công việc, sau 5 năm trụ trì ngoài việc hành đạo, tạo sự thống nhất trong đạo tràng cũng như sự phát tâm, hưng công của phật tử xa, gần, và sự quan tâm của các cấp chính quyền Sư cô Thích nữ Tịnh Minh đã thực hiện được những bước rất quan trọng trong việc lập dự án, khôi phục tôn tạo cụm di tích đền Mẫu, chùa Chanh. Theo đó, ngày 6/11/2020, UBND thị xã Quảng Yên đã ban hành quyết định số 3552/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Mẫu, chùa Chanh, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên.
Theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt cụm di tích đền, chùa Chanh gồm những hạng mục chính: Cổng tam quan, vườn tháp, nhà tổ, tam bảo, phòng học viện, trai đường, nhà sắm lễ, đền Mẫu, am hóa sớ, nhà bia. Loại, cấp công trình: Công trình văn hóa cấp III, với tổng mức đầu tư 43.977.926.000 đồng. Sau khi có quyết định phê duyệt của chính quyền, đầu năm 2021, nhà chùa động thổ xây dựng và hoàn thành hai công trình là đền Mẫu và nhà thờ Tổ với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Theo Sư cô Thích nữ Tịnh Minh, để hoàn thành hai công trình trong một năm ngoài sự phát tâm công đức của phật tử xa gần phải kể đến sự phát tâm, hưng công của của Nghệ nhân Quốc gia về chế tác, xây dựng nhà gỗ cổ, ông Đặng Văn Tam, thôn 6, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, người đã chủ trì việc thi công và lắp đặt hai công trình chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Nhà thờ Tổ trong cụm Di tích đền, chùa Chanh được xây mới năm 2021. |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống của nhân dân làng Khê Chanh xưa đã có nhièue khởi sắc, đổi mới và phát triển, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Nhân đạo từ thiện" được quan tâm, trong đó chùa Chanh đã tổ chức nhiều hoạt động mang đậm tính nhân văn. Trước khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, sáng thứ năm hàng tuần phật tử nhà chùa đã nấu một trăm xuất cháo tặng bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, tổ chức thăm hỏi tặng quà đồng bào nghèo thuộc tỉnh Hà Giang, tặng quà đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt cuối năm 2020.
Phật tử chùa Chanh và Sư cô Thích nữ Tịnh Minh cùng Ban Trị sự Hội Phật giáo thị xã Quảng Yên thăm, tặng quà nhân dân xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại do bão, lụt tháng 11/2020. |
Cụm di tích đền, chùa Chanh bước đầu đã viên thành hai hạng mục trong nhiều hạng mục theo Quyết định đã được phê duyệt của UBND thị xã Quảng Yên là một duyên lành, vừa khẳng định tâm nguyện của Sư cô Thích nữ Tịnh Minh, của bà con Phật tử làng Khê Chanh, trước sự quan tâm của các cấp chính quyền. Mong rằng tới đây Ban quản lý cụm di tích đền, chùa Chanh tiếp tục được sự phát tâm của quý Phật tử xa gần để từng bước hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy hoạch, và trở thành điểm đến tâm linh của các quý khách xa gần.