Chè dung có tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, dạ dày, đại tràng
Sức khỏe 11/05/2023 10:57
Khám phá cây chè dung - Thức uống đặc sản vùng Nghệ Tĩnh
Gọi là đặc sản, thế nhưng cây chè dung chỉ có ở một số địa phương nhất định ở Nghệ An và Hà Tĩnh, ở khu vực miền núi xa xôi. Đặc biệt, chè dung không ai trồng, đây là cây tự mọc trong rừng, phải vào rừng sâu mới có thể khai thác được.
- Các tên gọi khác: Chè lang, chè dại, duối gia, cây dung.
- Danh pháp khoa học: Syplocos Racemosa Roxb.
- Thuộc họ dung, tên khoa học Symplocaceae.
Cây chè dung là cây gì? Hình ảnh dược liệu trong tự nhiên
Khi nhắc đến chè dung, nhiều người thắc mắc không biết cây chè dung có phải là cây chè xanh (trà xanh) vẫn thường dùng để làm thức uống hay không? Thực tế thì đây là hai loại cây khác nhau nhưng đều được sử dụng để pha trà, đều là thức uống lành mạnh.
Để giúp bạn đọc phân biệt rõ hai loại cây này, dưới đây là những đặc điểm thực vật cũng như hình ảnh cây chè dung sinh trưởng trong môi trường tự nhiên.
- Cây gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình, từ 1.5m đến 2m, đôi khi có một số cây cao tầm 4 - 5m.
- Lá chè dung mọc đơn, so le với nhau, cuống lá ngắn, có hình trứng thuôn dài, hơi tù về phía cuống, phiến lá dài khoảng 9 - 15cm, rộng khoảng 3 - 6cm, ở mép lá có răng cưa xếp thưa. Lá có màu xanh đậm, bề mặt phẳng và nhẵn, khi khô có màu vàng lục nhạt.
- Hoa nở nhiều, mọc thành chùm ở đầu cành hoặc nách lá, cuống hoa ngắn, trên bề mặt được phủ một lớp lông mịn, hoa có nhiều nhị. Bông hoa có màu trắng hoặc vàng lục nhạt, có mùi rất thơm, thu hút nhiều ong.
- Cây kết quả hạch vào tháng 3 - 5, có thể ăn được, không có lông, thịt quả có màu đỏ tím, hình thuôn dài khoảng 6 - 10mm. Quả có chứa hạt đơn màu nâu, mỗi quả có 1 - 3 hạt.
Chè dung khác chè xanh ở chỗ, nước lá chè dung có màu vàng đậm hơn, vị cũng ngọt thanh hơn chứ không chát như chè xanh.
Khu vực phân bổ địa lí cây thuốc
Có thể tìm thấy cây chè mọc rải rác ở khu vực đồi trọc, rừng, nơi có nhiều ánh sáng, có ở nhiều nơi tại khu vực Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên của nước ta.
Tuy nhiên, loại cây này được phát hiện nhiều nhất ở khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh, đặc biệt là ở vùng đất Quỳnh Lưu - Nghệ An. Do đó, nhiều người còn gọi cây chè là cây chè dung Nghệ An, được xem là một đặc sản của vùng đất nắng gió này.
Ngoài ra, cây còn mọc ở các nước khác như Campuchia, Lào, Ấn Độ, miền Nam của Trung Quốc,…
Thu hoạch và bào chế dược liệu
Cây chè dung có sức sống mãnh liệt, xanh tốt quanh năm. Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm vàng để thu hoạch là vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi cây đã trưởng thành.
Có thể sử dụng phần lớn bộ phận của cây, bao gồm cả lá, vỏ thân và vỏ rễ cây.
- Lá chè: Có thể dùng tươi hoặc đem phơi sấy khô, sao vàng để pha trà dùng quanh năm.
- Thân cây: Sau khi thu hoạch, dùng dao tách bóc lớp vỏ cây, đem phơi hoặc sấy khô dùng dần. Dược liệu mềm, rất dễ gãy vụn, có màu vàng nâu, mặt cắt ngang thấy màu đỏ ở giữa lớp bần và lớp mô vỏ.
- Rễ cây: Người dân đào cả bộ rễ, rửa sạch sẽ đất cát và bóc lấy vỏ rễ, đem phơi hoặc sấy cho khô hoàn toàn.
Ngoài sử dụng làm thuốc, vỏ cây chè dung còn được người bản địa dùng để nhuộm vải.
Cây chè dung có tác dụng gì với sức khỏe?
Từ xa xưa, trong lúc đi rừng, người dân bản địa đã phát hiện thấy cây chè lang và dần dần trở thành một thức uống quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Theo thời gian, người dân đã phát hiện thấy những công dụng quý của dược liệu này, dùng để chữa nhiều bệnh hiệu quả.
Theo Y học cổ truyền
Trong các tài liệu ghi chép Đông Y, lá cây dung có vị ngọt hơi chua, có tác dụng bổ trợ và tăng cường chức năng hệ tiêu hoá, chữa đau bụng, chữa tiêu chảy, chữa bệnh dạ dày, khó tiêu, kém ăn.
Còn rễ cây có vị ngọt nhạt, tính mát, giúp tiêu khát, hạ sốt, giảm đau, làm săn.
Người dân bản địa uống chè lá dung để tiêu cơm, giảm đầy bụng, chữa đau bụng và tiêu chảy.
Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong lá chè có chứa chất giảm đau saponin, steroid, tanin, terpen, hợp chất flavonozit,… Thân cây chứa glucosid 3 – momone gluco furanoid, trong vỏ thân cây có chất màu đỏ chứa một glycosid, 3 ancaloit gồm loturidin, loturin và coloturin.
Nhờ đó, trong y học hiện đại, cây chè dung có nhiều tác dụng rất tốt:
- Tăng cường chức năng tiêu hoá, chữa đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu,…
- Chữa bệnh đau dạ dày tá tràng
- Thông huyết, giảm đau nhức xương khớp
- Làm dịu cơn đói, hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, chữa nấm tóc, chắc khỏe tóc khi gội đầu, chữa rong kinh khi tử cung nhiễm trùng.
Những năm về trước, bệnh viện Việt Tiệp đã ứng dụng nước sắc và siro từ lá dung để chữa bệnh đau dạ dày.
Tại Ấn Độ, người bản địa sắc nước từ vỏ cây khi bị đau bụng, đau mắt, rong kinh, tiểu tiện ra dưỡng chất, rửa vết thương loét.
Bệnh viện Quân Y 103 đã nghiên cứu ứng dụng nước sắc lá dung để rửa vết thương, đắp lá, kết luận cây chè dung có tác dụng ức chế trực khuẩn gram âm, tụ cầu khuẩn, làm lành vết thương do bỏng, lên da non.
Những bài thuốc ứng dụng tác dụng của lá chè dung
Với nhiều tác dụng tuyệt vời, hiện nay cây chè dung đã vượt xa hơn thức uống thông thường của người dân bản địa. Rất nhiều người đã săn tìm loại cây này để làm thuốc chữa bệnh trong những bài thuốc đơn giản mà hiệu quả khó ngờ.
Cách pha chè dung chữa bệnh đường tiêu hoá
Kinh nghiệm của người dân bản địa cho biết, uống nước lá chè dung mỗi ngày sẽ rất tốt cho hệ tiêu hoá, đặc biệt khi gặp các vấn đề đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu do ăn uống quá no, ăn các món ăn khó tiêu.
Cách pha chè dung rất đơn giản, tương tự như cách hãm lá chè xanh của người miền Bắc thông thường:
- Dùng 20 - 30g lá chè khô, hãm cùng 1 lít nước và đun sôi trong khoảng 15 phút.
- Khi nước chè chuyển sang màu vàng đậm, có mùi thơm tỏa ra dịu nhẹ thì có thể sử dụng được.
Nước lá chè uống hết trong ngày, không được để qua đêm. Người bệnh uống nước chè mỗi ngày sẽ chữa bệnh hiệu quả, đồng thời tăng cường chức năng cho hệ tiêu hoá.
Ngoài ra, nước lá còn giúp kìm hãm cơn đói, dùng làm thức uống giảm cân cho phụ nữ rất tốt.
Lá dung chữa dạ dày hiệu quả không?
Đây là công dụng nổi bật nhất của lá dung, thậm chí các bệnh viện lớn, trường đại học đã nghiên cứu và ứng dụng dược liệu vào điều chế thuốc chữa dạ dày.
Nhiều người chọn cách uống nước lá chè mỗi ngày để thay nước trà, vừa tiện dụng vừa tốt cho dạ dày. Hoặc bạn có thể kết hợp với các vị thuốc khác đem sắc nước thuốc để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Bài thuốc được dân gian sử dụng như sau:
- Sử dụng 120g chè dung tươi, 60g hương phụ tử, 40g nam mộc hương, 40g mai mực và 20g kê nội kim.
- Tất cả dược liệu rửa sạch sẽ, để ráo nước, đem sao trên bếp lửa cho vàng rồi tán thành bột mịn, bảo quản trong lọ kín để dùng dần.
- Mỗi lần uống, lấy 8g bột lá, pha cùng nước ấm để uống trước khi ăn 1 tiếng, ngày uống 2 lần.
Người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, đầy chướng bụng, ợ hơi, ợ chua,… dùng thuốc chè dung liên tục trong nhiều ngày sẽ cảm nhận được hiệu quả tích cực.
Công dụng lá chè dung trong chữa lành vết thương
Lá chè dung có tác dụng ức chế vi khuẩn, kháng khuẩn, sát trùng, làm lành vết thương, kích thích lên da non khi bị bỏng, rửa vết thương bị lở loét, rửa khi bị đau mắt,…
Do đó, mỗi khi bị đứt tay, bỏng, trầy xước,… người dân lại dùng lá cây chè dung để chữa lành.
- Sử dụng 20g lá chè (khô hoặc tươi đều được), hãm trong 200ml nước, đun sôi cho đến khi còn lại 100ml nước thuốc cô đặc.
- Vệ sinh vùng da bị tổn thương sạch sẽ, đắp cả nước và bã lá, lưu lại trên da cho đến khi khô hẳn thì rửa lại bằng nước sạch.
Với vết thương do bỏng, thử nghiệm của Viện Quân Y 103 cho thấy vết bỏng khô rất nhanh, không có mùi hôi, vết thương tái tạo da non nhanh chóng.
Những lưu ý khi sử dụng cây thuốc
Nhiều người thắc mắc về tác hại của chè dung, không biết cây thuốc này có gây tác dụng phụ hay không, hay có gây cồn cào khó chịu với một số cơ địa như uống nước lá chè xanh hay không.
Để hiệu quả và an toàn trong quá trình sử dụng, bạn nên chú ý những lưu ý dưới đây:
- Chè dung không gây cồn ruột, nôn nao, khó chịu như uống nước chè xanh. Thậm chí nước chè dung còn có vị ngọt thanh, rất thơm và không hề đắng chát như nước chè xanh.
- Chỉ nên dùng nước uống trong ngày, tốt nhất khi còn nóng ấm, không để qua đêm do nước có thể bị thiu, hỏng do vi khuẩn, không tốt cho hệ tiêu hoá thậm chí có thể gây đau bụng, ngộ độc.
- Mỗi ngày chỉ nên dùng không quá 50g dược liệu khô, dùng nhiều có thể gây phản tác dụng, không tốt cho sức khỏe.
- Bà bầu có uống được chè dung không, phụ nữ đang cho con bú uống được không? Trong thành phần của cây thuốc có chứa thành phần chất kháng viêm, sát khuẩn, có thể tác động không tốt đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Nếu muốn uống nước chè dung để giảm mỡ sau sinh thì nên chờ đến khi trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Phụ nữ đang trong chu kì hành kinh, người có cơ địa nhạy cảm, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của cây thuốc không nên dùng.
- Bệnh nhân bị huyết áp thấp, đái tháo đường cẩn trọng khi sử dụng, nên hỏi ý kiến người có chuyên môn trước khi dùng.
- Không sử dụng khi chưa ăn sáng, có thể bào mòn dạ dày, ảnh hưởng đến hệ dạ dày.
- Khi chọn mua dược liệu khô, nên chọn loại có lá dày nhỏ, có màu vàng bắt mắt. Nếu dùng lá tươi thì nên chọn lá không quá non cũng không quá già, lá non quá khi pha trà nhanh thiu còn nếu già quá thì nước không ngọt thanh mà có vị hơi đắng.