Chấn chỉnh công tác quản lí, bảo đảm quyền lợi nạn nhân chất độc da cam đúng người, đúng đối tượng
Xã hội 14/06/2022 09:24
Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thái Bình cho thấy: Chấp hành nghiêm Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr, ngày 2/5/2015 của Bộ LĐ-TB&XH và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ đối tượng hưởng chính sách hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2000 đến 2009, với các đối tượng lập hồ sơ để hưởng chế độ trực tiếp và con đẻ hưởng chế độ gián tiếp theo Quyết định 26/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát toàn bộ hồ sơ về bệnh, tật, dị dạng, dị tật và con đẻ mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh làm điều kiện để bố, mẹ đẻ hưởng chính sách.
Ông Lại Văn Biên (huyện Vũ Thư, Thái Bình) chăm sóc cho hai con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học. (Ảnh: TTXVN) |
Qua rà soát chặt chẽ và nghiêm túc, trên cơ sở căn cứ quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH, ngày 26/7/2006 của Bộ LĐ-TBXH, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định dừng trợ cấp từ ngày 1/8/2018 và thu hồi trợ cấp đã hưởng sai của 119 trường hợp không bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường, 519 trường hợp về bệnh, tật, dị dạng, dị tật. Đối với con đẻ, rà soát 11.681 trường hợp dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt và người dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định dừng hưởng trợ cấp theo quy định đối với những trường hợp con đẻ không có dị dạng, dị tật. Sau khi Sở LĐ-TBXH ban hành các quyết định, đa số những trường hợp nêu trên đều chấp thuận và tuân thủ nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp có đơn khiếu nại, kiến nghị mặc dù đã được xét và giải quyết thỏa đáng theo quy định, nhưng khi không đáp ứng được đòi hỏi đã tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí còn manh động lôi kéo, kích động, tổ chức khiếu kiện đông người, làm mất ổn định trật tự an ninh trên địa bàn. Phần lớn những đối tượng khiếu kiện này lại tập trung vào các trường hợp hồ sơ xét hưởng là con đẻ dị dạng, dị tật, đã chết, ...
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo và quán triệt toàn hệ thống chính trị, khẳng định nguyện vọng đòi hỏi quyền lợi của các gia đình bị dừng hưởng trợ cấp là chính đáng, nhưng các đòi hỏi đó không được phép có hành động làm trái với quy định của pháp luật. Nguồn gốc dẫn đến hệ lụy này cũng do Thái Bình đều xuất phát từ động cơ vì dân, đã vận dụng thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam trước khi nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn. Từ đó, dẫn tới áp dụng sai sót về đối tượng, thẩm định hồ sơ để chi trả chế độ trợ cấp trái quy định. Nhìn thẳng vào sự thật, Thái Bình xác định sai thì phải sửa nhưng cần sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân và sự chia sẻ của các gia đình bị dừng chế độ trợ cấp. Đó là sự lựa chọn đầy nhân văn thể hiện sự công bằng của chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của Đảng ta.
Mặc dù các cấp, các ngành đã tuyên truyền giải thích, thuyết phục nhưng một số đối tượng mà phần lớn thuộc các trường hợp không đủ hồ sơ thực chứng, thậm chí còn man trá, đã lợi dụng sự sai sót, kích động lôi kéo đông người khiếu kiện làm mất trật tự an ninh trên địa bàn, để lại hình ảnh phản cảm về lớp người đã từng là biểu tượng “ vì nước quên thân” được Đảng và Nhân dân tôn quý. Điển hình là ông Bùi Khánh H, ở xã Tây Ninh; ông Hoàng Hải Đ, ở xã Đông Quý, huyện Tiền Hải; ông Phạm Văn Đ, ở xã Thượng Hiền;ông Đoàn Ngọc T, ở xã Minh Tân, huyện Kiến Xương; ông Vũ Văn Q, ở xã Thuần Thành, huyện Thái Thụy; ông Ngô Duy S, ở xã Minh Phú, huyện Đông Hưng; ông Đặng Văn S, ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà; ông Vũ Đình T, ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ. Điều đáng ngạc nhiên là các ông có tên nêu trên cho rằng, mình bị phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng hiện nay vẫn đều mạnh khỏe ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, con cháu đề huề. Bi hài hơn như trường hợp của ông Phạm Văn Đ, ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, hồ sơ khai để hưởng chế độ cho con trai bị thiểu năng trí tuệ, nhưng nay con ông lại thành đạt, không thiểu năng trí tuệ chút nào, trở thành kiến trúc sư hiện đang làm việc ở một thành phố lớn.
Đáng buồn hơn có người từng là cán bộ chủ chốt ở địa phương, như trường hợp ông H, ở xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải, chẳng những không gương mẫu chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà lại còn đứng ra tổ chức nhóm họp, kích động, lôi kéo nhiều người, ở nhiều địa phương đi khiếu kiện. Đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xác minh làm rõ, xử lí nghiêm theo quy định.
Phải nói thêm rằng các gia đình đang hưởng hoặc vì một lẽ nào đó phải dừng trợ cấp phơi nhiễm chất độc da cam đều là những người thuộc thế hệ đi trước, có công với đất nước, với Nhân dân. Song quy định của Nhà nước, không một tổ chức, cá nhân nào đứng trên pháp luật để thỏa mãn đòi hỏi quyền lợi trái pháp luật. Dư luận xã hội đồng cảm với nguyện vọng của các gia đình bị dừng chế độ hỗ trợ, nhưng trước hết, các gia đình phải gương mẫu tuân thủ nghiêm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thậm chí cần thiết khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chấm dứt tình trạngbị kích động và lôi kéo đi khiếu kiện đông người như vừa qua, trả lại sự lành mạnh, trong sáng cho môi trường xã hội ở Thái Bình.
Mặt khác, Thái Bình cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, bổ sung chính sách đối với người hoạt động kháng chiến sinh con dị dạng, dị tật nhưng người con đó đã chết, đến nay đã hết thời hiệu lưu trữ, nên các cơ quan y tế không còn lưu hồ sơ y tế và các trường hợp không sinh con tại cơ sở y tế nên không có hồ sơ để bổ sung. Đặc biệt là người hoạt động kháng chiến đến nay vẫn còn lưu được hồ sơ có kê khai con đẻ mắc dị dạng, dị tật đã chết lập từ năm 2004-2005 theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg của Chính phủ.