Cảnh giác trước những biến tướng tinh vi trong ứng dụng thanh toán đa cấp My Aladdinz
Xã hội 27/08/2020 18:41
Hoàn 80% giá trị sản phẩm khi mua sắm
Gần đây nhiều người truyền tay nhau ứng dụng thanh toán có tên MyAladdinz – ứng dụng có thể cài đặt và hoạt động trên điện thoại.
Trong nhiều diễn đàn, ứng dụng này được quảng cáo với khả năng đem về ưu đãi khủng cho người dùng thông qua việc thanh toán các hóa đoa đơn điện, nước, chi phí sinh hoạt… như một sản phẩm ví điện tử thông thường.
Để sử dụng ứng dụng này, người dùng phải bỏ tiền mua một loại tiền tệ sử dụng “nội bộ” gọi là Gem. Mỗi Gem có giá trị tương đương 1 USD, người dùng phải nạp tối thiểu 100 Gem để sử dụng, tương đương với số tiền khoảng 2,4 triệu đồng.
Ứng dụng MyAladdinz được rất nhiều người hiện nay sử dụng. |
Mỗi khi người dùng sử dụng Gem trên ứng dụng MyAladdinz để mua hàng sẽ được hoàn trả 80% số Gem đã chi tiêu quy đổi ra bằng Point hay còn gọi là Điểm.
Vậy Điểm trong MyAladdinz là gì, nó được giới thiệu là doanh thu tiềm năng, có giá trị tương đương với Gem.
Nhưng “miếng bánh” này lại không dễ ăn bởi mỗi ngày chỉ hoàn về 0,2% cho người dùng. Người sử dụng phải bật ứng dụng và vuốt đèn thần mỗi ngày để quy đổi ra Gem để tiêu dùng.
Như vậy, phải mất 500 ngày mới có thể nhận đủ số lợi nhuận 80% được hoàn lại sau khi mua sắm.
Để tăng số lượng người sử dụng, ứng dụng MyAladdinz này cũng được hướng dẫn cách kiếm thêm Gem thông qua việc giới thiệu và nhận hoa hồng.
Các nạn nhân của một vụ lừa đảo tiền ảo đa cấp kêu cứu. |
Qua tìm hiểu, cách thức hoạt động này được thực hiện theo mô hình đa cấp, trả thưởng hoa hồng theo % và theo cấp bậc. Nếu giới thiệu được nhiều người vào hệ thống và hệ thống hoạt động tốt thì người dùng chỉ cần ngồi nhận thưởng.
Hệ thống của MyAladdinz được chia theo 15 cấp. Ví dụ người A mời người B vào hệ thống, B sẽ là cấp 1 của A. A được hưởng các loại hoa hồng theo các trường hợp khác nhau như 5% hoa hồng trực tiếp (tỉnh trên bất kỳ loại thu nhập nào của các cấp dưới) của cấp 1 và 1% của các cấp từ 2 đến 15. Tuy nhiên, số % hoa hồng này được trả lại cho người đứng đầu hệ thống bằng Điểm, không phải bằng Gem hay bằng tiền.
Đáng nói, nếu một cấp trong 15 cấp của một hệ thống không đủ 1.000 Điểm thì các cấp phía trên sẽ không nhận được hoa hồng. Như vậy đòi hỏi tất cả các cấp đều phải duy trì nạp tiền đổi Gem và mua bán để tăng số Điểm, bởi mỗi ngày 0,2% số điểm sẽ được chuyển lại thành Gem.
Ngoài người sử dụng hệ thống để mua các dịch vụ sinh hoạt thì ứng dụng MyAladdinz cũng cần có những “cửa hàng” để bán các dịch vụ đó, họ được gọi là các cửa hàng.
Nếu muốn kinh doanh trên hệ thống, chủ cửa hàng phải bỏ khoảng 300 USD (tương đương với khoảng 7 triệu đồng) để đổi 300 Gem. Nhờ đó chủ cửa hàng có quyền đăng ký nhiều dịch vụ như thu hộ điện nước, bán thẻ cào điện thoại, thanh toán hộ lãi vay tiêu dùng, học phí, viện phí… để tăng cơ hội bán sản phẩm và nhận được Gem.
Theo giới thiệu của một leader (người lãnh đạo) của ứng dụng MyAladdinz là Dương Thị Huyền cho biết: “Do MyAladdinz chỉ mới phát triển nên cần thời gian để kết nối cộng động quốc tế để hoạt động bằng đồng tiền giao dịch chung. Chúng tôi và các leader đang đi mở thị trường, dẫn dắt hệ thống cũng như chia sẻ cho cộng đồng người tiêu dùng…”.
Ngoài ra, leader này cũng hứa hẹn trong tương lai không xa, người dân có thể mua bán bất kỳ thứ gì thông qua MyAladdinz để nhận hoàn tiền 80%. Thậm chí mua một chiếc ô tô có giá 1 tỷ cũng được hoàn lại 800 triệu. Trong quá trình tư vấn, Huyền cũng không quên kêu gọi người dùng mời thêm người thân bạn bè tham gia để được thưởng và tiền hoa hồng.
Rất nhiều rủi ro
Với những thông tin và hoạt động của MyAladdinz, ứng dụng này cho thấy đang hoạt động vừa như ví trữ tiền điện tử vừa giống một chợ thương mại điện tử.
Tuy nhiên lại hoạt động trả hoa hồng theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người trước trả cho người sau.
Với việc hoàn lại 80% tiền mua hàng và trả thêm % cho các hệ thống, thử hỏi ứng dụng này có nguồn vốn tài chính mạnh cỡ nào để duy trì hoạt động.
Khi không có người nạp thêm tiền đổi Gem hay không có hoạt động mua bán, đơn thuần chỉ đi tìm các tuyến dưới và tích trữ đủ Điểm để lấy % thì hệ thống này sẽ ra sao.
Điều dễ thấy đó là sự sụp đổ của cả hệ thống và nhà đầu tư sẽ không kịp rút tiền ra, thậm chí không kịp lấy đủ 80% số tiền được hoàn lại như lời hứa hẹn.
Đó cũng là bài học mà nhiều hệ thống kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp khác đã hoạt động và sụp đổ, khiến hàng ngàn người điêu đứng, phải căng băng rôn kêu cứu, đòi quyền lợi khi mất trắng hàng trăm triệu đồng đầu tư.
Để giải thích cho người tham gia về chi tiết mờ ám này, nhiều người đứng đầu hệ thống luôn giới thiệu trong các buổi livestream rằng.
Do hệ thống còn mới nên vẫn đang thực hiện mua bán thông qua các mạng xã hội khác như Zalo, Facebook, Telegram. Đến cuối năm 2020, MyAladdinz mới phát triển mua bán trên chính ứng dụng.
Những buổi hội thảo tập trung hàng trăm người của MyAladdinz. |
Qua tìm hiểu, loại hình hoạt động này chưa được cấp phép sẽ có nhiều rủi ro không chỉ mất tiền mà còn có thể mất dữ liệu cá nhân.
Thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về những loại hình đa cấp tương tự từng được Bộ Công an cảnh báo trước đó, như: ứng dụng PayAsian, được quảng cáo là ứng dụng ví thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới xuất hiện vào đầu năm 2019.
Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau 6 tháng sẽ tăng lên gấp 10, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp.
Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA...).
Phát hiện có dấu hiệu hoạt động đa cấp, lừa đảo, Bộ Công an đã tiến hành xác minh và đưa ra cảnh báo về hệ thống này. Qua đó phát hiện, ngân hàng Nhà nước hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian.