Cần 141 tỉ USD cho ngành điện 2021-2030, EVN nói một mình "không đủ lực"
Kinh tế 09/04/2022 13:40
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỉ USD. Trong đó, phần nguồn điện 127,45 tỉ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỉ USD.
Cụ thể, khối lượng đầu tư đến 2030 gồm: Khối lượng lưới điện truyền tải 500 kV cải tạo và xây dựng mới: gần 15.000 km (xây mới khoảng 13.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 500 kV cải tạo và xây mới: khoảng 86.000 km (xây dựng mới khoảng 48.500 km); Lưới điện truyền tải 220 kV cải tạo và xây dựng mới: gần 23.000 km (xây mới khoảng 16.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 220 kV cải tạo và xây mới: khoảng 110.000 km (xây dựng mới khoảng 74.000 km).
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc trung hòa Carbon vào năm 2050.
Phát triển nguồn và phụ tải một cách cân bằng, hạn chế tối đa truyền tải liên miền và xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền giai đoạn tới năm 2030. Xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối các nguồn điện, nhằm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương). Ảnh: T.H |
Còn ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2020 đến nay, chúng ta hầu như không có dự phòng do tăng trưởng phụ tải hầu như không có. Do đó, mỗi quốc gia cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện cần hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện.
"Với 14 tỉ USD/năm đã tăng hơn nhiều mức 9 tỉ USD/năm của giai đoạn trước. EVN chỉ là một phần, chúng tôi không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ", ông Tài Anh nói.
Cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh
Trao đổi với Lao Động, đại diện Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - nhà đầu tư điện gió ngoài khơi toàn cầu cho biết: "Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào các hệ thống truyền tải thông qua các quỹ đầu tư năng lượng tái tạo, kết nối nhiều MW điện gió ngoài khơi với hệ thống lưới điện trên đất liền tại các thị trường lớn trên toàn cầu.
Đồng thời cũng tham gia vào việc phát triển chiến lược các dự án đấu nối cao áp ở các thị trường điện áp đơn và đa áp.
"Trên thế giới, các khoản đầu tư tư nhân vào hệ thống truyền tải trở nên ngày càng phổ biến trong khuôn khổ các cơ chế pháp lý phù hợp.
Thực tế cho thấy, điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả quốc gia và khu vực, khi nhà đầu tư có thể quản lý và giảm thiểu rủi ro tốt hơn thông qua những cam kết về hành lang pháp lý và lộ trình rõ ràng từ Chính phủ", ông Stuart Livesey, Tổng Giám Đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay.
Để có nguồn tài chính đầu tư trong lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn tới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...
"Những năm sau phải giải được bài toán làm thế nào để đáp ứng cung cầu điện cấp bách cho miền Bắc", ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia lưu ý.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quá trình làm Quy hoạch Điện VIII đang tập trung tính toán nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra quy mô vốn đầu tư.
"Nhà đầu tư quan tâm chi phí có được tính toán vào giá điện hay không, nên phải đẩy mạnh thị trường, tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án với chi phí thấp nhất để tăng tính hiệu quả", ông Hùng nói.