Bước qua ngưỡng cửa - Bài 4: Lý mới từ trong tiếng khèn
Xã hội 30/12/2022 18:56
Lý ở đây là lý lẽ, là những trật tự trong đời sống của bà con. Cái lý đó có thể phù hợp ở chỗ này, nhưng chỗ khác lại là những điều quá cũ kỹ. Để thay đổi được cái lý cũ đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Câu chuyện về hủ tục treo thi hài người đã mất trong nhà của đồng bào đã tồn tại từ không biết bao nhiêu đời của các dòng họ, không chỉ ở xã Tà Mung mà còn nhiều nơi khác cũng vậy.
Thắp hương cúng tổ tiên |
Nhưng với Bộ đội cụ Hồ, chiến sĩ công an Nhân dân ở huyện Than Uyên, trong đó có vai trò của đồng chí Trưởng Ban vận động xây dựng câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông, đã tìm ra con đường, đi đúng với suy nghĩ, nguyện vọng của bà con người Mông. Giờ thì người Mông ở Tà Mung hiểu về lý do đó quá, hiểu từ sau khi những lời ca được cất lên từ trong báu vật. Việc chuyển đổi được cái lý này, bà con đã ký vào cam kết, để có một sự ràng buộc chặt chẽ. Trung tá Lầu A Tình, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Than Uyên cho chúng tôi biết: "Để thực hiện việc này chúng tôi phải làm cam kết, do vậy bà con rất đoàn kết, găn bó, quyết tâm thực hiện. Khi thực hiện chuyển từ người chết treo sang người chết cho vào quan tài thì phải làm cái lý. Việc khó khăn lớn nhất là Ban vận động phải đi tìm những bà cô, ông cậu từ thuở xưa để chữa lại cái lý, chữa lại lời nguyền trước đó. Đặc biệt là phải có bài khèn là “Đưa người vào quan tài”. Do vậy phải tìm nghệ nhân rất giỏi để truyền lại và tham mưu cho huyện mở lớp dạy khèn để làm được thủ tục đưa người chết vào quan tài".
Ông Lý A Phềnh, ở bản Nậm Phắt là một trong số nghệ nhân nổi tiếng ở bản Lán Tọ, xã Tà Mung, vừa là nghệ nhân dạy khèn, vừa là hộ gia đình dân tộc Mông chấp hành rất tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bản thân ông cũng là người có nhận thức tích cực trong việc tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Vì vậy để có cái lý mới tiến bộ trong lời khèn thì phải bằng mọi cách khôi phục lại tiếng khèn phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nói chung và tiếng khèn dùng trong tang lễ nói riêng, nhất là khi mà nó đang ngày càng có dấu hiệu mai một. Ông Phềnh nói: "Bây giờ để nối tiếp được việc bảo tồn vă hóa dân gian dân tộc Mông, tới đây hết lứa tuổi già chúng tôi phải dạy thêm các cháu học sinh các cấp, kể cả nam và nữ để sau này các cháu còn nối được dòng dõi của dân tộc và duy trì được bản sắc của dân tộc, tránh để mất và mai một đi phong tục, nhất là tiếng khèn. Trong nếp sống văn hóa mới hiện nay đang được đưa vào, đặc biệt là Ban vận động dân gian dân tộc Mông đang được củng cố lại nền văn hóa đó của dân tộc Mông để phục vụ cho lễ tang của dân tộc Mông mãi mãi về sau này".
Bà con người Mông làm đường vào bản |
Mở lớp dạy khèn chính là khôi phục lại một phần nét đẹp văn hóa của đồng bào đang bị mai một do điều kiện sống và do cả nhận thức của con người. Một nét đẹp văn hóa được khôi phục thì những chuẩn mực truyền thống mang đậm yếu tố tiến bộ, văn minh cũng được khơi dậy trong mỗi con người. Việc người Mông ở Tà Mung đã chấp nhận cho những bà cô, ông cậu chỉnh sửa lại cái lý trong việc tang, rồi cùng nhau ký kết, làm lý để từ bỏ hủ tục treo thi hài là một sự đổi thay vô cùng lớn. Một lời ca tiến bộ được chắt chiu rồi thổi hồn vào báu vật của người Mông là cây khèn đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào hoàn toàn khác.
Ông Giàng A Vảng, ở bản Ho Ta, người đang theo lớp học khèn cũng nhận định: Sau khi được học tiếng khèn để duy trì, bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mông, đặc biệt là bài khèn đưa người vào áo quan, hiện nay chúng tôi đã yên tâm về mọi mặt trên các hủ tục của dân tộc. Chúng tôi cũng sẽ yên tâm rằng, giờ thì không thể mất được tiếng Khèn trong đám tang của người Mông nữa.
Việc dạy khèn như vậy sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho các hộ gia đình mỗi khi có việc tang, việc lễ. Ngày xưa thợ khèn còn ít thì họ gần như chiếm đặc quyền đặc lợi trong việc lấy tiền công. Bây giờ thợ khèn nhiều rồi, thay vì phải mổ con trâu, bà con có thể mổ lợn, nếu không có lợn thì gà cũng chẳng sao. Ông Phùng Tiến Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Mung nói: "Cấp ủy chính quyền địa phương trong quá trình tuyên truyền vận động đã phối hợp với các cấp chính quyền của huyện Than Uyên tham gia tích cực trong việc tuyên truyền vận động, khi gia đình có việc thì trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền vận động và cùng với già làng, trưởng bản, người có uy tín để giải thích và vận động, từ đó đã giúp các hộ dân hiểu và hạn chế được việc mổ nhiều trâu, bò, lợn".
Đặc biệt, vừa qua, cán bộ, chiến sỹ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Than Uyên cùng với Ban vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông của huyện đã vận động thành công từng dòng họ tự đóng góp quỹ để phục vụ cho các công việc lớn, trong đó có việc tang lễ. Nếu gia đình nào điều kiện kinh tế quá khó khăn thì già làng, trưởng bản sẽ trích một phần quỹ đó để giúp bà con.
Tà Mung có tám dòng họ lớn thì nay đã có bảy dòng họ ký vào bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn hủ tục. Họ Sùng là dòng họ cuối cùng cũng vừa ký vào bản cam kết, chỉ cần làm một cái lý nữa là xong. Hôm nay, đã có một nguồn ánh sáng mới từ chính quyền đẩy lùi những điều lạc hậu, để đồng bào Mông nơi đây tự tin bước qua cái ngưỡng cửa cao- bao nhiêu năm ngăn đường, cản lối.