Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất cấm kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử
Y tế 03/05/2024 18:09
Còn thuốc lá nung nóng là các sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi thuốc lá được làm nóng hoặc khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. Những sol khí này được người dùng hít vào trong quá trình hút hoặc hít thuốc lá nung nóng bằng việc sử dụng một thiết bị. Chúng chứa chất gây nghiện cao nicotine cũng như các chất phụ gia không thuốc lá, và thường có hương vị.
Đáng chú ý, hiện nay trên thế giới đã xuất hiện công nghệ hybrid (công nghệ lai) - làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra hóa hơi đi qua ngăn/ống đựng thuốc lá để tạo ra hương vị thuốc lá đích thực, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá. Do đó, rất khó để xác định và liệt kê đầy đủ các dạng sản phẩm thuốc lá mới trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ |
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có tác hại không nhỏ đến sức khỏe con người, đồng thời chúng cũng có tác động tiêu cực đến xã hội.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao và độc tính cao. Nicotin gây ngộ độc cấp tính với nhiều cơ quan, đặc biệt tim mạch, thần kinh, hô hấp với biểu hiện ngộ độc tương tự ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ. Tiếp xúc kéo dài với nicotin (hút thuốc lá) gây ảnh hưởng nhiều cơ quan khác nhau: gây xơ vữa thành mạch, hẹp mạch máu ở các nơi (đáng chú ý gây bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim), tăng lipid máu, tăng đường máu, giảm elasstin ở nhu mô phổi gây giãn phế nang, tổn thương đường thở và co thắt phế quản, trên hô hấp gây thở nhanh, ngừng thở, tăng tiết a xít dịch vị và giảm nhu động dạ dày ruột gây trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Helicobacter pylori, tăng độc tính của độc tố vi khuẩn Helicobacter pylori trên dạ dày, tá tràng, giảm khả năng học, giảm trí nhớ, giảm tập trung, tăng nghiện thêm chất khác, giảm khả năng miễn dịch, trên mắt gây thoái hóa hoàng điểm, tăng thải albumin qua nước tiểu, tổn thương thận, viêm cầu thận, giảm mức lọc cầu thận, tăng hẹp mạch thận, với nam giới bị giảm hoặc mất cương dương, rối loạn cương dương, giảm tiết testosteron, giảm số lượng, chức năng tinh trùng, với nữ giới gặp rối loạn kỳ kinh, tăng nội tiết FSH, giảm estrogen, giảm progesteron, ảnh hưởng buồng trứng, trưởng thành noãn, giảm dòng máu đến vòi trứng, thai chậm phát triển, thai lưu, chửa ngoài tử cung, chậm phát triển tri tuệ thai, tăng nguy cơ hen ở con sinh ra, gây ung thư dạ dày ruột, ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư vú. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u, đồng thời gia tăng sự đề kháng của khối u với hóa trị và xạ trị.
Trong thuốc lá điện tử, nicotin thường được cho vào với hàm lượng lớn hơn so với thuốc lá điếu thông thường, ở dạng dung dịch hoặc dạng bột (một dụng cụ hút có thể hút được nhiều nghìn hơi). Đặc biệt nicotin được sản xuất nhân tạo tổng hợp, thường dạng muối, có độ pH điều chỉnh để ít gây khó chịu với đường hô hấp, đồng thời với số lượng dẫn tới người sử dụng rất dễ bị ngộ độc và nhanh chóng dẫn tới nghiện nicotin.
Ngoài ra, trong thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có các chất độc, chất phụ gia, chất hương liệu. Chẳng hạn như glycerin (gây viêm phổi mỡ, kích ứng da, mắt, phổi), propylene glycol. Propylene glycol (gây kích ứng đường thở, mắt, gây ung thư, hen), đồng thời có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Propylene glycol khi nung nóng cũng tạo ra methyl glyoxal gây đái tháo đường và các bệnh thoái hóa thần kinh. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên.
Các chất độc hại được tìm thấy trong dung dịch và hơi của thuốc lá điện tử như ethylene glycol, diethylene glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như benzene, toluene, nitrosamine,, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein (gây kích ứng đường thở, đường tiêu hóa và mắt, xơ vữa mạch máu), formaldehyde (gây viêm phế quản, viêm phổi, hen), các hydroxycarbonyl, acetaldehyde (gây ung thư, tổn thương gan), các hydrocarbon thơm đa vòng (gây ung thư), các hạt siêu nhỏ,... Một số kim loại như chì (tổn thương não, thận, máu, tăng huyết áp), crôm (gây viêm, kích ứng đường thở, loét hoặc teo niêm mạc mũi, các vấn đề sinh sản/sinh đẻ), cadmium (gây tăng nguy cơ ung thư phổi, kích ứng đường hô hấp), nikel (gây ung thư, tổn thương phổi và não, gan, thận), formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá điếu thông thường....
Với hàng nghìn hóa chất hương liệu, thay đổi theo nhà sản xuất, thị hiếu, vùng miền, trào lưu,... theo thời gian và tạo nên số lượng rất lớn các hóa chất. Khi nung nóng hoặc đốt cháy ở các nhiệt độ đa dạng khác nhau sẽ tạo nên số lượng gấp bội các hóa chất là các sản phẩm cháy trung gian, sản phẩm cháy cuối cùng, nhiều hơn rất nhiều lần so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó nguy cơ gây hại với sức khỏe rất lớn.
Bởi nguy cơ cao ảnh hưởng với sức khỏe và tính chất đa dạng, phức tạp không thể kiểm soát, các chính phủ đã quản lý hoặc cấm hoàn toàn các hương liệu trong thuốc lá điện tử. Tại Mỹ từ năm 2020, đã cấm các hương liệu (trừ bạc hà, hương thuốc lá) trong thuốc lá điện tử, hiện đang xem xét nguy cơ hương vị thuốc lá, bạc hà; Ủy ban châu Âu, Canada cũng hành động tương tự. Trung Quốc đã cấm tất cả các thuốc lá điện tử chứa hương liệu từ tháng 10/2022...
Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng tất cả các loại thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại. Ngoài những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tâm thần, răng miệng, sinh sản, hô hấp và tim mạch,…thuốc lá mới còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường, bao gồm: hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích và tử vong do cháy, nổ thiết bị điện tử...
Ở Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng nhắm chủ yếu tới đối tượng là giới trẻ, nguy cơ tác động đến cả một thế hệ tương lai của đất nước. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng; tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma tuý do không có sự ngăn chặn kịp thời.
Đặc biệt, thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn tại Việt Nam. Theo WHO, trên thế giới, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường đã khiến cho 8 triệu người tử vong mỗi năm (7 triệu do hút thuốc trực tiếp và 1.2 triệu do hút thuốc thụ động). Tổn thất kinh tế trên toàn cầu 1 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, WHO ước tính sử dụng thuốc lá gây ra ít nhất 40 ngàn ca tử vong mỗi năm. Chi tiêu cho hút thuốc lá 49.000 tỷ VND/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020); chi phí điều trị mới chỉ 5/25 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng). Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá với thành tựu là giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành trung bình 0.5% mỗi năm (từ 47.4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38.9% năm 2023 (PGATS 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5.36% năm 2013 xuống còn 2.78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2.5% (GYTS 2014) xuống còn 1.9% (GYTS 2022).
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0.2% năm 2015 lên 3.6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7.0%. So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2.6% năm 2019 lên 8.1% năm 2023,.
Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Tháng 10/2023, Bộ Y tế nhận được Bản khuyến nghị của WHO về việc Quốc hội ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.
Quan điểm của Bộ Y tế về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: đây là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ. Do vậy:
Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Bộ Y tế chấn chỉnh chất lượng bệnh viện và khuyến cáo về nguy cơ sự cố y khoa Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra một vài sự cố ... |
Cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử ... |
Bộ Y tế chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh tỉnh Đồng Nai Theo thông tin tại công văn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết. |