Bình yên nơi vùng biên Đông Bắc
Xã hội 22/09/2020 08:59
Lớp người đi khai hoang giữ đất
Có thể nói, Bình Liêu là huyện vùng biên nghèo của tỉnh Quảng Ninh. Không có nhiều tiềm năng để bứt phá, những năm qua đồng bào các dân tộc ở đây đã nỗ lực không ngừng làm nên diện mạo mới mẻ của vùng đất này.
Ngồi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang phóng tầm mắt qua đường biên giới Việt - Trung, nơi có những công trình đang xây dựng, bà La Thị Cung (71 tuổi, dân tộc Tày) kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu đến Nà Sa: “Gia đình tôi lên Nà Sa từ những năm 1993 theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Khi ấy, khó khăn thiếu thốn đủ bề, đường từ trung tâm huyện đến các xã chỉ là đường đất đá nhỏ hẹp, uốn lượn. Đường từ Nà Sa ra trung tâm xã Hoành Mô còn khó khăn hơn. Ruộng rừng nhiều nhưng còn hoang hóa, hơn thế lại nhiều mìn. Vừa làm vừa dò từng mét đất…”. Theo anh Bùi Xuân Chiều, trưởng thôn (con trai bà Cung), bây giờ ở Nà Sa vẫn còn mìn, từ đầu năm tới giờ anh đã phát hiện 6 quả và báo cho xã để bộ đội biên phòng vào gỡ.
Trưởng thôn Nà Sa Bùi Xuân Chiều giới thiệu vườn cam với khách |
Thôn Nà Sa hiện có 41 hộ, với 175 nhân khẩu, đồng bào chủ yếu là dân tộc Dao và Tày. Mấy năm trước có tới 17 hộ nghèo nay chỉ còn 4 hộ. Đồng bào ở đây chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là không qua lại đường biên giới.
Qua Nà Sa chúng tôi đến bản Trình Tường, thôn Pắc Cương nằm dưới một thung khá sâu. Anh Nguyễn Gia Triệu cán bộ Lâm trường 156, thuộc Sư đoàn 327, Bộ Quốc phòng cùng đơn vị đang giúp bà con xây dựng bản cho biết, ở Pắc Cương chỉ có 12 hộ đồng bào Dao nhưng đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Qua câu chuyện với vợ chồng ông Chìu Tắc Dẩu và bà Tằng Tài Múi mọi người được biết ông bà đưa 7 người con lên đây từ năm 1997 theo chủ trương của Đảng. Ông Dẩu bảo: “Hồi đó đời sống khó khăn lắm. Cái gì cũng thiếu. Bây giờ vẫn còn khó khăn nhưng khá nhiều rồi, có điện, có trường, đường sá đi lại thuận lợi”.
Ban ngày ở Pắc Cương đa số các nhà khóa cửa đi làm nương, rẫy, chỉ người già và trẻ con ở nhà. Trong lúc chúng tôi nói chuyện với ông thì bà vào nhà lấy mấy bộ quần áo của dân tộc Dao ra khoe, rồi bà mặc một bộ và ngồi xuống hiên nhà với hộp đồ thêu trong tay.
Bản ít người nên tĩnh lặng, đường biên giới liền kề nhưng an ninh được giữ vững, người già cùng những đứa trẻ quây quần trong sân, bên hông nhà, dưới ao là đàn vịt đang bơi cho chúng tôi thấy một biên giới bình yên, nơi có những NCT đang âm thầm cùng con cháu dựng xây và gìn giữ.
Những người đổi thay vùng đất
Nhiều người vẫn nghĩ các già làng, trưởng bản của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng cao biên giới phải là NCT. Vậy mà đến huyện biên giới Bình Liêu chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi được gặp các “già làng” trưởng bản chỉ trên dưới 30 tuổi.
Bà La Thị Cung và con trai |
Vậy là, thế hệ trưởng bản, người có uy tín bây giờ đã thay đổi. Họ là những người trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết, lại được tiếp cận khoa học, kĩ thuật mới về cây trồng, vật nuôi một cách bài bản. Các trưởng bản, trưởng thôn trẻ đều mạnh dạn phát triển kinh tế, như trưởng bản Nà Sa Bùi Xuân Chiều sinh năm 1984. Chiều làm trưởng bản từ năm 2014, vườn cam Đại Yên của anh với 200 gốc đã cho quả hai vụ và mấy héc-ta cây hồi, cây keo… cho thu nhập ổn định.
Còn Dường Phúc Thím trưởng bản Khe Tiền, xã Đồng Văn thì cho biết: “Ở đây chúng tôi chủ yếu trồng cây hồi, một trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bà con còn khó khăn lắm, bản ở vùng sâu, vùng xa nhất huyện, giáp biên nữa, nhưng vẫn phải cố gắng để không bị đói nghèo”.
Đến xã Đồng Tâm, chúng tôi gặp trưởng bản Lý Văn Tiến, anh đang cùng 7 - 8 người anh em trong xóm trồng cây keo trên vườn đồi. Gia đình anh có gần 3ha cây keo, 1ha hồi và sở. Nhìn sức vóc Tiến, nhìn những đồi cây keo đang xanh lá phía bên kia sườn đồi, chúng tôi hiểu đồng bào các dân tộc nơi đây đang thoát nghèo từ những vạt đồi, vạt rừng xanh thẫm.
Anh Tô Đình Hiệu, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu cho biết: “Nhiều người đến Bình Liêu từng ngỡ ngàng khi gặp các trưởng thôn, bản. Họ chỉ trên dưới 30 tuổi, thậm chí ở tuổi đó có người đã làm trưởng bản được cả chục năm. Những người của thời đại 4.0 mạnh mẽ, xử lí công việc rất nhanh nhạy. So với các già làng trưởng bản là NCT ngày xưa họ chưa có uy tín cao, lời nói cũng chưa có trọng lượng nhiều, nhưng họ là lực lượng đáp ứng được nhiệm vụ, đặc biệt ở các bản làng xa xôi đường sá đi lại khó khăn”.
Con đường từ trung tâm huyện Bình Liêu lên cửa khẩu Hoành Mô đẹp như dải lụa, hai bên là những cánh rừng hồi, rừng quế trải dài... Nhờ có cửa khẩu, cơ sở hạ tầng của Bình Liêu được quan tâm cải thiện rõ rệt, nông sản làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi hơn. Bình Liêu vẫn còn nhiều khó khăn lắm, nhưng cũng đang mở ra một tương lai hứa hẹn. Trong tương lai không xa, đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc sống bởi họ có lực lượng trưởng thôn, trưởng bản trẻ tiếp nối những thế hệ NCT khẳng định thế mạnh của mình trên vùng đất biên cương của Tổ quốc.