Bản sắc văn hóa trong nghi lễ cúng then của đồng bào Tày Bảo Yên
Văn hóa - Thể thao 29/09/2023 09:47
Nghi lễ cổ truyền
Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (Nghĩa Đô, Bảo Yên) chia sẻ: “Từ xa xưa, người Tày Bảo Yên trong các bản duy trì nghi lễ cúng then như một hoạt động tâm linh gắn liền với những quan niệm nhân sinh trong cuộc sống. Đây là không gian kết nối giữa con người với ba tầng mường là mường nước, mường đất, mường trời, nơi con người gửi gắm những mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Theo các thầy then trong các bản Tày ở Bảo Yên, tại mỗi địa phương và tùy thuộc vào nguyện vọng của từng gia đình sẽ có nghi lễ cúng then khác nhau. Có lễ then cấp sắc, cúng then giải hạn, cúng mụ, cúng tổ tiên, gọi vía, cầu an, nối số, kéo số... Căn cứ vào đó mà gia chủ chọn mời thầy mo, thầy tào hay thầy then về làm lễ. Nghi lễ cúng then được tổ chức bất kì thời gian nào trong năm, tùy thuộc vào sự lựa chọn chủ đề, thời gian cúng của gia chủ.
Không gian lễ cúng then rất độc đáo và linh thiêng. |
Để tổ chức một lễ cúng then, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, trang trí không gian cúng và thực hiện việc rất quan trọng là đi mời thầy. Đại diện gia đình đến nhà thầy then làm thủ tục “dắt ngựa đón thầy”. Ngựa được làm bằng giấy màu cùng lễ vật. Khi đến nhà, gia chủ báo cáo với thầy then về nguyện vọng, nội dung lễ cúng để mong thầy đến nhà làm lễ. Khi nhận lời gia chủ, trước khi đi, thầy then phải thắp hương, đặt lễ vật lên ban để cúng mo bàn, trình các tướng, các thánh cho phép rồi mới rời nhà đi cúng.
Khi đi, thầy then phải mang theo những nhạc cụ quan trọng, đó là cây đàn tính, chùm quả nhạc, mũ áo, hòm then, khăn, bát nước cây Thanh thảo. Nếu thiếu một trong những vật trên, nghi lễ cúng then sẽ mất đi sự linh thiêng. Khi đến nhà, thầy then hướng dẫn gia chủ chọn vị trí đặt lễ cúng. Nơi chọn không được đặt lên bàn thờ thần linh, gia tiên mà phải đặt phía ngoài, thầy then ngồi song song với ban thờ. Không gian lễ cúng sẽ được treo, dán tranh vẽ các tướng, thánh nhà trời, 2 con én, bát hương, chén nước và bát nước Thanh thảo cùng với lệnh sắc, thẻ, bằng. Xung quanh có thể căng những tấm thổ cẩm được người Tày dệt nhiều màu sắc để tạo không gian đậm chất cổ truyền, huyền ảo.
Xong việc trang trí, thầy then hướng dẫn gia chủ bày lễ vật phù hợp với lễ cúng. Lễ vật không quá cầu kì mà chủ yếu là những nguyên liệu, sản vật do con người làm ra như gà luộc, lợn, xôi, rượu, gạo, muối, bánh kẹo, tiền vàng hương, bánh dày, hoa quả, vải, giấy màu để làm quần áo, mũ cho các quan. Khi thầy then ngồi vào vị trí để làm lễ, cần có 1 - 2 nàng then ngồi cạnh để hầu then, đó là những người phụ nữ trẻ chưa lấy chồng hoặc có tuổi nhưng phải có tâm, có đức.
Độc đáo cách diễn xướng
Nghi lễ bắt đầu, thầy then trong trang phục mũ áo then đọc lời cúng then và tấu các nhạc cụ. Khi thì đánh đàn tính, lúc thì tay cầm quạt, tay cầm chùm quả nhạc, vừa vung quạt, vừa xóc chùm quả nhạc và chuyển động người theo nhịp. Cứ như thế, thầy then thực hiện các bài cúng theo từng ngôi thứ trong tín ngưỡng. Có những đoạn, thầy then thăng hoa, nhập vào các tướng, các thánh thì không gian nghi lễ càng trở nên huyền bí, linh thiêng. Thầy then có lúc dừng lại hút thuốc, ăn trầu, uống rượu. Các nàng then ngồi cạnh sẽ giúp thầy châm thuốc, mời trầu, mời rượu. Lễ cúng then có thể bắt đầu từ 8 giờ tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành.
Càng về đêm, không gian xung quanh nhà sàn càng yên tĩnh, tất cả đều tập trung vào việc cúng then, âm thanh nhạc cụ, lời then càng trở nên vang vọng, thiêng liêng. Các thành viên trong gia đình ngồi xung quanh, khi đến vía của ai (gồm vía mường trời, vía mường đất, vía mường nước) thì người đó tiến lên gần thầy then để đội lễ và được thầy ban ấn. Thầy then cúng bằng ngôn ngữ bản địa, theo vần nhịp, rõ ràng, rành mạch, vang vọng, như lời tấu lên các quan, tướng, thánh nhà trời ý nguyện, lời cầu mong của con người. Sáng hôm sau, khi lễ cúng then đã xong, gia chủ làm một mâm cơm để thầy then cúng khao quân, tạ thổ công, mời tổ tiên. Sau đó, thầy làm lễ buộc vía bằng sợi chỉ đỏ cho các thành viên trong gia đình và nghi lễ cúng then hoàn tất.
Theo các thầy then trong các bản Tày ở Bảo Yên thì nghi lễ cúng then phải thực hiện tuần tự các bước, không được làm tắt hay qua loa. Gia chủ tổ chức nghi lễ phải xuất phát từ cái tâm của cả gia đình và thành tâm khi ngồi cúng. Thầy then Ma Văn Đồng (Nghĩa Đô) chia sẻ: “Thầy then phải trưởng thành từ gia đình có truyền thống làm thầy then và phải tự học hỏi những kiến thức về nghi lễ. Từ khi trở thành thầy đến khi đi giúp các gia đình làm lễ cúng, thầy then phải có tâm chứ không được mặc cả tiền bạc”.
Thể hiện những triết lí nhân sinh
Trong lễ cúng then, khói hương thơm ngát lan tỏa khắp nhà sàn, hòa vào tiếng đàn tính, chùm quả nhạc và lời cúng của thầy then tạo nên một không gian đậm chất tâm linh. Tất cả như sợi dây vô hình mà linh thiêng, huyền ảo, kết nối cõi trời, cõi đất, cõi nước và cõi nhân gian. Nghi lễ cúng then là sự kết hợp kì diệu giữa hát then, diễn xướng, trang phục, lễ vật và điều quan trọng nhất là những triết lí nhân sinh được con người gửi gắm vào những lời cúng.
Qua đó, con người như được tấu lên mường trời những cầu mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, linh hồn của tổ tiên được an vị, con trẻ được bà mụ nâng đỡ, chở che mà lớn khôn... Thầy then như hòa vào linh hồn của trời đất mà tâu bẩm với thánh thần, với quan tướng nhà trời ý nguyện của con người.
Có thể nói, nghi lễ cúng then của đồng bào Tày vùng Bảo Yên không chỉ là một nghi lễ đậm chất tín ngưỡng, tâm linh, mà còn là sự hội tụ sinh động các sắc màu văn hóa cổ truyền đặc trưng của người Tày như hát then, đàn tính, âm nhạc, trang phục… Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là giá trị nhân văn cao đẹp về khát vọng muôn đời của con người về cuộc sống an vui, no đủ, là sự biết ơn các lực lượng siêu nhiên tối cao đã che chở, ban tài lộc cho con người, là sự tri ân công đức của tổ tiên được người Tày nơi đây gửi gắm trong nghi lễ.