Link xem trọn bộ "Công tố tinh anh" của Địch Lệ Nhiệt Ba

Văn hóa - Thể thao 21/03/2023 09:37
Về thời điểm sáng tác bài thơ, chắc chắn sau khi chiến dịch Tây Tiến hoàn thành, tác giả đã trở về hậu tuyến, nên ngay câu đầu của bài thơ đã mang đậm chất hoài niệm: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi. Đọc cả bài thơ mới thấy, tác giả hoài niệm về những ngày chiến dịch Tây Tiến, những gian khổ đã trải qua, những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Châu Mộc, Sầm Nứa…
![]() |
Nhà thơ Quang Dũng (Bùi Đình Dậu), tác giả của bài thơ “Tây Tiến” |
Bài thơ không những toát lên chất hào hùng, bi tráng pha lãng mạn, mà còn có những câu thơ đầy chất gợi mở: Mường Lát hoa về trong đêm hơi… Heo hút cồn mây súng ngửi trời… Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa… Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ… Có thấy hồn lau nẻo bến bờ… Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm… Áo bào thay chiếu anh về đất… Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…
Sự gợi mở ở đây khiến người đọc có nhiều liên tưởng ở những góc độ khác nhau. Ví như câu “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, tại sao lại là “hoa về”, “đêm hơi”? Rõ ràng câu thơ khiến người đọc phải để tâm suy nghĩ. Ở đây “hoa” là một ẩn dụ, phải liên hệ với tầng bậc cao hơn, ở đây “hoa” mang ẩn ý là những người con gái, những người phụ nữ. Do đó, đoàn quân đang mỏi ở Sài Khao “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”, thì về đến Mường Lát gặp những người phụ nữ đi về “hoa về trong đêm hơi”. Vậy sao lại gọi là “đêm hơi”? Ở đây tác giả dùng thủ pháp đảo ngữ, khiến cho câu thơ mang cảm giác lắng đọng, nhẹ nhàng, trìu mến. Ở đây “đêm hơi” đảo ngữ từ “hơi đêm”, có nghĩa sâm sẩm tối, “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, được hiểu trời sâm sẩm tối các cô gái đi làm về. Đặt trong tổng thể một cụm từ sẽ thấy toát lên cảnh tượng của người lính Tây Tiến, với các cung bậc cảm xúc: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi, nếu ở Sài Khao sương xuống, mỏi mệt rồi mà vẫn hành quân, thì ở Mường Lát những người lính vui vẻ khi được thấy các cô sơn nữ về bản sau một ngày lao động. Rõ ràng, ở đây có vế đối giữa “đoàn quân mỏi” với “hoa về trong đêm hơi”.
Cái vất vả của đoàn quân Tây Tiến, được gợi mở bằng cụm Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm hẳn là dốc lắm. Tả như vậy tưởng như cực điểm rồi, nhưng tác giả còn bồi thêm điệp khúc: Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Heo hút cồn mây là lên cao lắm, lên trên cả mây rồi, nên súng mới ngửi trời. Dường như tác giả thấy chưa được cụ thể lắm, nên mới có câu Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Sự hi sinh của chiến sĩ Tây Tiến được tác giả miêu tả bằng những câu thơ đầy ẩn dụ, mà nhẹ nhàng, sâu lắng: Anh bạn dãi dầu không bước nữa. Rõ ràng “không bước nữa” là dừng lại, nhưng không phải dừng lại để nghỉ ngơi, mà người chiến sĩ đó đã Gục trên súng mũ ngủ quên đời!, “ngủ quên đời” ở đây hẳn là hi sinh, nằm xuống vì đất nước, nhưng là sự hi sinh nhẹ nhàng, chỉ là “gục trên súng mũ” thôi. Rồi còn những câu nữa, tả sự hi sinh của các chiến sĩ Tây Tiến ở tầm mức cao hơn, rộng hơn, nhiều hơn: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Tại sao “Sông Mã” phải “gầm lên khúc độc hành”? Rõ ràng tiếng gầm của Sông Mã ở đây là tiếng kêu xé lòng cho sự hi sinh của các chiến sĩ Tây Tiến, là tiếng kêu của đồng đội dành cho những người đã ngã xuống. Rồi tác giả kết Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Nói chung, bài thơ Tây Tiến là áng văn hào hùng, bi tráng pha chút lãng mạn, giúp cho người đọc hiểu được những khó khăn, vất vả, hi sinh của đoàn quân Tây Tiến. Thế nhưng, số phận của tác phẩm, tác giả lại một thời gặp long đong, lận đận. Trước tiên nói về tác giả, nhà thơ Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Dậu, sinh ngày 11/10/1921 (Tân Dậu) tại làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Cha ông là cụ Bùi Đình Khuê, trước làm Chánh tổng Đại Phùng. Có lẽ do xuất thân như vậy, mà ông không thăng tiến được trong bước đường công danh.
Trước Cách mạng Tháng 8/1945, ông theo học tại Ban trung học, Trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy học tư tại Sơn Tây. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông gia nhập quân đội, làm phóng viên báo Chiến đấu. Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc Trung cấp quân sự Sơn Tây. Học xong, ông được bổ làm Đại đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến, tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai. Ông còn được cử làm Phó đoàn Tuyên truyền Lào - Việt. Sau chiến dịch Tây Tiến, cuối năm 1948 ông làm Trưởng tiểu ban Tuyên huấn, thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Tháng 8/1951 ông xuất ngũ. Bài thơ Tây Tiến ra đời năm 1948, khi Quang Dũng dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III. Sau năm 1954 ông làm biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển công tác sang Nhà xuất bản Văn học. Mặc dù không làm gì cả, nhưng ông vẫn bị đưa đi chỉnh huấn trong vụ Nhân văn - Giai phẩm. Ông mất ngày 13/10/1988 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, sau thời gian dài trị bệnh. Đến tận năm 2001, ông mới được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng một thời gian dài không được lưu hành, do lúc bấy giờ người ta cho rằng, bài thơ có khuynh hướng tiểu tư sản, lãng mạn, đồi trụy, thiếu tính chiến đấu. Những câu như Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm… bị đem ra phê bình, mổ xẻ tơi bời. Người ta bảo, đang trong lúc toàn quân, toàn dân đang sôi sục đánh Pháp, thì ông lại làm thơ tơ tưởng đến những cô gái Hà Nội dáng kiều thơm, làm chao đảo, nhụt chí khí chiến đấu của toàn dân, toàn quân… Cũng may, sau này tác phẩm Tây Tiến của ông được nhìn nhận lại, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, khi ông đã khuất núi hơn chục năm. Nhưng dù sao cũng là điều an ủi lớn cho vong linh nơi “chín suối” của nhà thơ tài hoa xứ Đoài.