Bệnh nhân Hà Văn Đ. (57 tuổi, ở Phù Yên, tỉnh Sơn La) có triệu chứng khó nuốt, nuốt nghẹn và sụt cân khoảng 5 tháng trước khi nhập viện. Bệnh nhân đi khám tại tuyến dưới, được chuẩn đoán u thực quản. Bệnh nhân đã uống nhiều loại thuốc nhưng không thuyên giảm mà tình trạng khó nuốt ngày càng tăng và cân nặng giảm nhiều, sức khỏe suy yếu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
TS.BS Trần Mạnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) và các bác sĩ Khoa ngoại Tổng hơp thăm khám cho bệnh nhân Hà Văn Đ. |
Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Cù Trung Kiên, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân Hà Văn Đ. được chúng tôi chẩn đoán là ung thư thực quản giai đoạn T3. Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân này có biểu hiện nuốt khó và thời gian nuốt khó xuất hiện từ 5 tháng trước khi vào viện. Khi nhập viện, chúng tôi đã làm tất cả các xét nghiệm chẩn đoán: Soi thực quản, dà dày để từ đó các bác sỹ có thể phát hiện vị trí của tổn thương, hình thái của tổn thương và đặc biệt nội soi dạ dày và sinh thiết có thể xác định được bản chất của khối u lành tính hay ác tính. Tiếp theo, chúng tôi làm các xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm nội soi để đánh giá giai đoạn của bệnh và xét đến khả năng chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn T3, mặc dù không còn sớm nhưng vẫn có chỉ định phẫu thuật. Cho đến nay, phương pháp điều trị ung thư thực quản là sự phối hợp đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, trong đó phẫu thuật là cơ bản.
Ngày 16/2/2022, bệnh nhân được TS.BS Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai cùng ekip thực hiện. Ca phẫu thuật được tiến hành trong gần 5 giờ, thực quản tổn thương được cắt bỏ rộng rãi, sau đó tạo hình ống dạ dày và đưa lên nối với thực quản ở cổ. Bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau phẫu thuật. Sức khỏe của bệnh nhân cũng hồi phục nhanh chóng. Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, tập lý liệu pháp như tập ho, tập thở, tập bóng… Ngày thứ 7 sau mổ, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, có thể tự ăn cháo, không ho, không sặc, không sốt và bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để tiếp tục liệu trình điều trị bổ trợ.
Các bác sĩ kiểm tra phim chụp của bệnh nhân sau phẫu thuật |
Chia sẻ về “độ khó” của phương pháp phẫu thuật nội soi cắt thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày, TS.BS Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Đây là phẫu thuật lớn của ổ bụng bởi phải thực hiện qua rất nhiều tăng thì. Đầu tiên, chúng tôi phải vào đường ngực. Thay vì phải mở ngực thì phẫu thuật nội soi chỉ cần 4 lỗ nhỏ để đưa 4 Trocar vòa lồng ngực của người bệnh và từ 4 Trocar đó chúng tôi có thể giải phóng cắt bỏ toàn bộ thực quản và nạo vét hạch. Sau đó đến thì bụng, cũng sử dụng 4 Trocar đó, chúng tôi cắt bỏ thực quản bụng, nạo vét hạch và tạo hình ống dạ dày rồi đưa ống dạ dày đó qua trung thất sau lên cổ, nối với đoạn thực quản cổ. Cuộc mổ diễn ra trong vòng 5-6 tiếng đồng hồ. Nếu phẫu thuật mở là phẫu thuật xâm hại với nhiều nguy cơ biến chứng thì phẫu thuật nội soi đã khắc phục được nhược điểm đó, đặc biệt là biến chứng về hô hấp. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi sự đầu tư về trang thiết bị và phẫu thuật viên cần được đào tạo công phu. Hiện phương pháp này chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, có đội ngũ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao.
Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường |
TS. Hùng cho biết thêm: Từ tháng 2 năm 2020 Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt thực quản qua 2 đường ngực bụng để điều trị cho những bệnh nhân ung thư thực quản. Qua 2 năm, chúng tôi đã thực hiện thành công 50 ca và bệnh nhân Hà Văn Đ. Là trường hợp thứ 50. Chúng tôi rất vui vì khi nhận từ Trung tâm Ung bướu, bệnh nhân rất yếu, không thể tự ăn. Sự hồi phục của bệnh nhân là món quà vô giá với chúng tôi nhân ngày 27/2 sắp tới.
Các chuyên gia khuyến cáo: Ung thư thực quản và ung thư dạ dày là hai loại ung thư thường gặp đối với nam giới. Bệnh nhân ung thư thực quản thường có các triệu chứng khó nuốt và giảm cân. Triệu chứng của ung thư dạ dày thường là đau âm ỉ vùng thượng vị, khó tiêu, buồn nôn, sút cân. Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư thực quản và ung thư dạ dày hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc lạm dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu, thuốc lá; Có chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể; Với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, viêm dạ dày... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh. Với các loại ung thư đường tiêu hóa, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa trị và tiên lượng rất tốt.