2.878 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng
Tin tức 19/10/2021 11:02
Cán bộ công an TP.Hà Nội kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại Bệnh viện dã chiến Hoàng Mai. Ảnh: Tô Thế |
430 vụ cháy ở các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC
Thực trạng công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng với số lượng lớn bởi một số nguyên nhân như ý thức chấp hành quy định pháp luật của các chủ đầu tư, năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công về PCCC còn hạn chế; sự phối hợp giữa cơ quan cấp phép về PCCC với cơ quan cấp phép quy hoạch, xây dựng.
Các công trình này có tồn tại về PCCC điển hình như đường giao thông dẫn đến công trình nhỏ, hẹp không đảm bảo khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, cá biệt có trường hợp không có đường cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn… không đảm bảo, do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ với tính chất phức tạp, khó lường, có thể gây cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Theo thống kê tình hình cháy từ năm 2016 đến nay, có 430 vụ cháy xảy ra đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng (chiếm tỉ lệ 12,31%). Tuy tỉ lệ chiếm không cao, nhưng 95% số vụ cháy thuộc nhóm đối tượng này đều là cháy lớn, cháy thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Công khai 100% tên chủ đầu tư vi phạm
Về biện pháp, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an TP.Hà Nội cho biết, căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18.6.2021 về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội; đây là kế hoạch thực hiện trong 5 năm (từ 2021 đến 2025) với mục tiêu không để phát sinh mới các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động; từng bước khắc phục, kéo giảm số công trình tồn tại vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC&CNCH.
Đồng thời giao rõ trách nhiệm tới từng UBND cấp huyện chủ trì, thực hiện các biện pháp đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động theo lộ trình từng bước: Đăng tải công khai 100% tên chủ đầu tư công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên phương tiện thông tin đại chúng.
Làm việc với 100% các chủ đầu tư của công trình vi phạm (có mời các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia) để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện; yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian, tiến độ để từng bước khắc phục đối với từng nội dung tồn tại, vi phạm cụ thể.
Ưu tiên khắc phục ngay nhưng tồn tại dễ thực hiện, những tồn tại, vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc tồn tại, vi phạm là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ gây thiệt hại về người; đặc biệt chú trọng đối tượng vi phạm là những công trình cao tầng, công trình có tầng hầm, kho xưởng,...
Tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, công trình có sai phạm về xây dựng theo quy định của pháp luật.
Địa bàn nào xảy ra cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xem xét, đánh giá trách nhiệm của đơn vị, tập thể, cá nhân có liên quan.
Giao rõ trách nhiệm đến Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã không để phát sinh công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP.Hà Nội.