Xuống thuyền rồng nghe ca Huế
Văn hóa - Thể thao 11/05/2023 14:38
Bến thuyền buồn tênh!
Năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 hoành hành, khách đến và doanh thu của ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đều sụt giảm từ 65% trở lên, trong đó khách quốc tế giảm gần 75%.
Dịch vụ đi thuyền rồng, nghe ca Huế cũng nằm trong tình trạng khó khăn chung. Nhiều chủ thuyền than vắn thở dài khi khách đến Huế vắng thưa. Để tự cứu mình, nhiều chủ thuyền phải neo thuyền, lên bờ tìm kế sinh nhai. Nhiều o ra chợ mua bán tôm cá, vẹm, hàu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn…
Anh T. chủ một thuyền rồng đôi xin chân phụ hồ cho một nhóm xây dựng trên phố nhưng công việc cũng bấp bênh, bữa đực bữa cái… Có người không quen việc nặng phải bỏ giữa chừng, chuyển sang chạy xe ôm hoặc thuê xích lô chạy từng buổi cầm cự. Chuyện cả trăm chiếc thuyền rồng phục vụ khách du lịch ngày 4 đến 5 chuyến, chủ thuyền và nhân viên không kịp ăn cơm chỉ còn là… hoài niệm.
Gợi chuyện, một o là chủ thuyền kể, hai vợ chồng mình từ Buôn Ma Thuột trở về Huế đóng thuyền làm ăn. Thu nhập ngày bạc triệu. Khách từ Hà Nội vào, khách trong miền Nam, miền Tây Nam Bộ nườm nượp kéo ra. Nhất là mùa Hè, hoạt động thuyền rồng nhộn nhịp, bà con làm ăn phơi phới. Dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch “đóng băng”. Có ngày không một chiếc thuyền nào xuất bến!
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Theo thông tin của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Huế là 2,05 triệu lượt, tăng 296% so với năm 2021. Trong năm 2023, ngành Du lịch phấn đấu đón khoảng 3 đến 3,5 triệu lượt khách. Trong 10 ngày, từ 28 Tết đến hết ngày mùng 8 Tết Quý Mão (19/1 đến 29/1/2023), ước có gần 100 nghìn lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế, tăng gần 55% so với cùng kì dịp nghỉ Tết năm 2022. Một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành Du lịch Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nhiều công trình, dự án được nâng cấp tạo nên diện mạo mới cho các hoạt động du lịch địa phương.
Nay cập bờ đợi khách…
Trước kia, khách du lịch đến Huế ngoài việc thăm thú các lăng tẩm đền đài thế nào cũng phải ngồi thuyền, nghe ca Huế về đêm. Chương trình của các tour du lịch đều có dịch vụ này. Khách đi lẻ ít có cơ hội được dịch vụ này đáp ứng. Thuyền rồng lúc ấy chưa nhiều, hầu hết là thuyền rồng đơn, chở ít du khách. Nay, khách đi lẻ đều được phục vụ ghép với đoàn theo tour, trừ các đoàn bao nguyên thuyền, cho chủ thuyền đủ... sở hụi.
Muốn được trải nghiệm, khách cứ mua vé sẽ được bố trí xuống thuyền. Nhưng giá vé thì… phú cho trời! Khách dễ nhầm với đi thuyền “chay” tức là không nghe ca Huế, khác với thuyền có… “nhã nhạc cung đình”. Người thích đi ghe bơi hoặc thuyền máy ra giữa dòng sông Hương rồi thả trôi trên sông nước, uống rượu, ngắm trăng sao với bạn bè, tình nhân. Nhóm thích đi thuyền rồng “chay” không nghe ca Huế, chỉ thả hoa đăng (đèn hoa)... Mỗi loại dịch vụ có mỗi giá. Đừng vội tin ai dù họ tỉ tê rất chi... ngọt ngào. Nếu khéo “cò kè bớt một thêm hai” với mấy o tiếp thị, sau này khách sẽ không phải… đau cái đầu!
Chạng vạng một ngày đầu tháng Tư vừa rồi, Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm có đến hàng chục chiếc thuyền rồng đơn với đôi xếp hàng dài cặp bờ chờ đợi khách. Thuyền đón trả khách ở bến Tòa Khâm, thuyền chưa tới phiên về neo đậu ở bến Phú Cát. Thuyền dập dìu, nhộn nhịp cập bờ, xuất bến phục vụ khách…
Ca Huế trên thuyền rồng. |
Ra giữa sông Hương nghe ca Huế
Xe ca 45 chỗ chở khách du lịch Đà Nẵng, Hà Nội vào bãi xuống khách đoàn liên tục. Khách du lịch người trong nước, ngoài nước như Hàn Quốc, châu Âu khá đông. Các công ty lữ hành, du lịch đã mua dịch vụ nghe ca Huế trên thuyền rồng nên khách cứ ung dung xuống thuyền. Khách lẻ nếu muốn mua vé của bến cũng được, mua vé của mấy o tiếp thị cũng không sao. Nhưng giá cả thì nên cân nhắc. Có nhiều đoàn khách nước ngoài chỉ thích tham quan di tích, lăng tẩm hơn đi thuyền nghe ca Huế. Có thể họ đã từng nghe ca Huế rồi hoặc do ngôn ngữ bất đồng, không muốn thử cũng có. Tôi nghĩ, nếu đã từng nghe ca Huế một lần trên thuyền rồng neo giữa dòng Hương giang, nhìn, nghe các “ca nương” biểu diễn, mà không quay trở lại thì đúng là rất đáng phải tiếc!
Nếu có yêu cầu được nghe ca Huế, chủ thuyền đơn cũng sẵn sàng đáp ứng nếu khách bao show, giá tiền tất nhiên cao hơn. Không ít chủ thuyền còn bán nước giải khát, trái cây, quà lưu niệm… kiếm thêm thu nhập. Đội ngũ ca sĩ không bao giờ thiếu. Có gần 30 tốp ca sĩ, nhạc công phục vụ ca Huế. Cứ tốp 7 người, vừa ca vừa sử dụng các loại nhạc cụ, trong đó 4 ca sĩ và 3 nhạc công. Thu nhập chính một suất diễn là 100 nghìn đồng/người, tiền khách boa được chia đều. Tùy ngày mà có lúc diễn 2 suất, từ 19 giờ đến 20 giờ và từ 20 giờ đến 21 giờ, có lúc 3 suất, mỗi suất chưa tới 1 giờ.
Các ca sĩ bắt đầu chương trình biểu diễn với các bản nhạc lễ cung đình… Trước đây nữ ca sĩ trang phục áo the, đội khăn xếp, nay đơn giản hơn, như mặc áo dài, đội mấn (vấn) cách tân, sử dụng thành thục các nhạc cụ. Khách được thưởng thức những điệu hò Mái đẩy, Mái nhì, những điệu Nam Ai, Nam Bình, Chầu văn Huế; những âm thanh lúc réo rắt, tươi vui, khi buồn sầu da diết của đờn tranh, đờn cò, đờn kìm, nhịp sanh loan, sanh tiền… vang trong đêm giữa dòng Hương thơ mộng. Anh bạn đi cùng chép miệng, nói nhỏ với tôi: “Nhìn các ca sĩ, nhạc công dịu dàng, đằm thắm trong dáng áo dài, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” không nghe ca cũng đáng đồng tiền!”. Tôi nghĩ khi nghe ca Huế trên thuyền thì khách đừng phấn khích quá mà… hát bè theo gây náo động ảnh hưởng người khác; đừng chen lấn chụp ảnh khiến các ca sĩ đang trình diễn mất tập trung; giá vé nên công khai, minh bạch… Trong năm 2022, các ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân có hành vi vi phạm như thuyền chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng địa điểm, biểu diễn không đúng nội dung…
Đêm, thuyền rồng cứ xuôi ngược sông Hương. Vẳng tiếng ca Huế ngọt ngào lay động lòng khách phương xa một lần ghé Huế… Tôi, viễn khách thêm một lần xuống thuyền rồng nghe ca Huế là thêm một lần để nhớ thêm!