Xét xử lưu động vụ "nữ sinh giao gà" bị sát hại: Khi nào vụ án hình sự được xét xử lưu động?
Tin pháp luật 26/12/2019 11:07
Làm rõ nội dung trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, xét xử lưu động là việc Tòa án xét xử công khai một vụ án ở ngoài trụ sở của Tòa án, có thể là tại hội trường lớn, sân vận động, trường học, hội chợ, siêu thị... mà ở đó, mọi người dân đều có thể đến xem.
Tuy vậy, hiện nay, chưa có một quy định nào trong các văn bản pháp luật về việc xét xử lưu động. Việc có đưa vụ án ra xét xử lưu động hay không phụ thuộc vào sự quyết định của Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án đó.
Thực tiễn xét xử cho thấy, một số vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… sẽ được đưa ra xét xửlưu động.
Quang cảnh phiên tòa xét xử lưu động
Theo Điều 25 Bộ luật TTHS 2015, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa trừ trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi. Khi đó, Tòa án sẽ xử kín nhưng sẽ tuyên án công khai.
Nói về ưu điểm của việc xét xử lưu động vụ án hình sự, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, hình thức xét xử này góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Đây có thể coi là một trong những biện pháp nhằm góp phần hạn chế các nguyên nhân nảy sinh tội phạm thông qua việc tác động vào ý chí của các chủ thể mà trước tiên là bị cáo bị xét xử. Hoạt động này có có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa chung.
Xét xử lưu động tác động trực tiếp vào bị cáo bị xét xử, khiến bị cáo nhận thức rõ hơn về tính nguy hiểm trong hành vi của mình, mong muốn bị cáo nhận ra lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa sai lầm, để bị cáo ý thức được sự trừng phạt của pháp luật, sự lên án của dư luận khi trực tiếp chứng kiến phiên tòa…
Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động còn tác động vào những người tham gia, theo dõi phiên tòa. Thông qua hoạt động này, Tòa án thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, răn đe với các đối tượng có ý định phạm tội, khiến họ ý thức được sự trừng trị của pháp luật, kiềm chế các nhu cầu lệch chuẩn. Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động cũng là cơ hội tốt để người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm...
Tuy vậy, việc xét xử lưu động cũng có một số bất cập như phiên tòa lưu động gây ra áp lực rất lớn, tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người phạm tội. Do đó họ sẽ khó có khả năng tái hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành án. Bên cạnh đó, việc tổ chức xét xử lưu động cũng tạo ra áp lực cho Hội đồng xét xử, đặc biệt là Thẩm phán được phân công xét xử, đồng thời tốn khoản chi phí không nhỏ - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa phân tích.