Vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021
Xã hội 08/02/2021 12:26
Huyện An Phú quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021
|
Ngay từ đầu năm, các cơ quan đơn vị, địa phương trong huyện đã có các hương hướng, kế hoạch công tác để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2021.
Ông Trần Hòa Hợp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Phú, chia sẻ: “Dịch Covid-19 và thiên tai dồn dập bất thường làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất và đời sống Nhân dân. Nhờ có lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch nên cho đến nay, không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn huyện. Từ đó, kinh tế- xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Về mùa màng, tổng diện tích gieo trồng là 39.231 ha, đạt 96,39% kế hoạch, giảm 1.355 ha so cùng kỳ 2019. Nguyên nhân diện tích giảm là do chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, màu, chuyển qua trồng cây ăn trái. Một phần diện tích cây ăn trái từ 1-2 năm tuổi, người dân tận dụng trồng màu xen trong vườn cây ăn trái. Đến nay, cây ăn trái đã lớn, sắp cho thu hoạch nên không thể trồng màu dưới tán cây được. Vì vậy diện tích cây màu giảm hơn so cùng kỳ. Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện hiện là 139.492. Gia súc 3690 và gia cầm 135.802. Tăng 52.196 so cùng kỳ. Diện tich nuôi ao cá, hầm cá đến nay là 106 ha. Nuôi thủy sản lồng, bè, vèo được 123.146 m2. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước được 22.000 tấn, đạt kế hoạch 104,76%, tương đương so cùng kỳ 2019. Đặc biệt, huyện tổ chức Lễ Thả cá, tái tạo nguồn thủy sản khu vực Búng Bình Thiên được 313.555 con cá với tổng kinh phí là 223.410.000 đồng. Đó là các loại cá hô, cá trạch, cá chép, dồ đẻm, cá tra và cá linh. Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với tổng giá trị ước được 707.000 triệu đồng, đạt 98,19% kế hoạch, tăng 10,46 % so cùng kỳ 2019. Riêng về tình hình mua bán các loại hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu tương đối ổn định, không có tình trạng tập trung đông người để mua hàng hóa dự trữ do các điểm cung cấp nhu yếu phẩm có nguồn cung ứng dồi dào, đáp ứng tốt cho người dân. Tổng mức bán lẻ dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 4.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,94% so cùng kỳ năm 2019. Doanh thu hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 900 triệu USD, đạt 120% kế hoạch, tăng 28,57% so cùng kỳ”. Được biết, đối mặt với khó khăn về thiên tai và dịch bệnh, huyện An Phú vẫn ổn định ngân sách trong năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện An Phú ước được 758 tỷ đồng. Trong đó, thu từ kinh tế trên địa bàn là 108 tỷ đồng, đạt 166,15% kế hoạch. Thu trợ cấp trên 650 tỷ đồng.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông Trần Hòa Hợp cho biết: “Ngay từ đầu năm 2020, huyện An Phú đã xây dựng và họp triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn huyện. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trong toàn dân và các cơ quan, ban ngành đoàn thể của huyện. Huyện thành lập nhiều Tổ Phản ứng nhanh, tiếp nhận người nhập cảnh trái phép đưa đi cách ly tập trung và giám sát cách ly y tế tại nhà. Đến nay, tiếp nhận được 3128 người, thực hiện thủ tục chuyển khỏi địa bàn 1550 người, 1503 người hết thời gian cách ly cho về địa phương theo dõi. Còn lại 75 người đang thực hiện cách ly theo quy định. Hiện tại, có thể nói, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút SADS-Covi-2 trên địa bàn huyện An Phú”.
Là một huyện lớn của tỉnh An Giang, có biên giới sát cạnh với nước bạn Campuchia, trong thời gian bệnh dịch bộc phát và cho đến nay, tuy có phức tạp, tuyến biên giới tiếp tục được ổn định, giữ vững mối quan hệ hữu nghị, thân thiện với chính quyền và các lực lượng Campuchia, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị nhất định trên tuyến biên giới Việt - Miên, trong đó, quan trọng là kiểm tra chặt chẽ người xuất, nhập cảnh từ phía hai bên trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Có thể nói, nguyên nhân làm chậm tốc độ phát triển kinh tế- xã hội huyện An Phú, ngoài dịch bệnh gây ảnh hưởng, thiên tai là nguyên nhân thứ hai, gây thiệt hại không nhỏ cho huyện An Phú. Trong năm 2020, An Phú hứng chịu nhiều cơn giông lốc dữ dội. Rồi ảnh hưởng bão làm tốc mái và sập 18 căn nhà. Hỏa hoạn làm thiệt hại 10 căn nhà, ước tổng trị giá thiệt hại là 2.028 triệu đồng. Mưa lớn kéo dài, kết hợp với các cơn bão chồng bão gây mưa lớn trên diện rộng làm thiệt hại tổng diện tích 1.262 ha lúa và hoa màu. Ước tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục sản xuất là 2391 triệu đồng. Trên địa bàn An Phú đã xảy ra 14 đoạn sạt lở với chiều dài 233m, ảnh hưởng đến 12 căn nhà, ước tổng thiệt hại 412 triệu đồng. Tuy vậy, các lĩnh vực khác như: Đầu tư- xây dựng, Tài chính- Ngân hàng, Tài nguyên Môi trường, Y tế- chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Văn hóa- Thông tin, Thể dục- Thể thao, Tuyên truyền, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội chính- Quàn lý Nhà nước, Tư pháp, Tiếp dân, Thanh tra, quốc phòng, an ninh trật tự xã hội trong năm 2020, ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Ông Trần Hòa Hợp khẳng định: “Năm 2021 với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp cùng với hiện trạng biến đổi khí hậu khắc nghiệt, kế hoạch và phương hướng công tác kinh tế- xã hội của huyện An Phú tất nhiên gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm cùng nỗ lực của các cấp, các ban, ngành và người dân trên địa bàn huyện An Phú; với cơ sở, nền tảng là kết quả của sự hoàn thành tốt đẹp công tác năm 2020, chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt đẹp, hiệu quả nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2021”.