Vượt qua cuộc khủng hoảng “1 khoảnh khắc, 2 dịch bệnh”
Quốc tế 02/12/2020 09:41
Vậy mà, giờ đây người ta nhắc tới Magic Johnson không chỉ vì “bảng vàng” thành tích ông giành được trong Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Gần 30 năm sống chung với HIV/AIDS, ông sáng lập và điều hành công ty Magic Johnson Enterprises kinh doanh trong các lĩnh vực rạp chiếu phim, chuỗi cửa hàng Starbucks hay Burger King; làm Chủ tịch câu lạc bộ bóng rổ Los Angeles Lakers, nơi ông từng cống hiến với 5 chức vô địch NBA... Cùng lúc, ông điều hành một quỹ chống HIV/AIDS mang tên mình, hỗ trợ nhiều người có cơ hội được xét nghiệm miễn phí và điều trị HIV/AIDS, trở thành đại sứ đặc biệt, đi khắp thế giới để tuyên truyền về hội chứng này.
Với việc sử dụng trọn đời các loại thuốc kháng virus, những người nhiễm HIV như huyền thoại bóng rổ Magic Johnson không còn phải đối mặt với “án tử khó tránh”, theo cách mà trước đây người ta nghĩ về hội chứng suy giảm miễn dịch ở người này. Thậm chí, nhờ sự phát triển của y học, ca nhiễm HIV/AIDS này dường như đã trở thành những trường hợp đầu tiên được chữa khỏi sau khi trải qua liệu pháp dùng trong điều trị ung thư là cấy ghép tủy xương.
Vào tháng 11/1991, cựu ngôi sao NBA Magic Johnson tiết lộ rằng anh bị nhiễm HIV |
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang đe dọa hủy hoại những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt nhiều năm qua, khi các nước phải áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, khiến việc cung cấp và phân phối thuốc men, trong đó có thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, gặp khó khăn. Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến nửa triệu người tử vong do HIV/AIDS, nếu việc điều trị bị gián đoạn trong thời gian dài.
Khảo sát do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành cho thấy, 73 quốc gia đã cảnh báo về nguy cơ cao hết thuốc kháng virus, trong khi 24 quốc gia có lượng thuốc dự trữ vô cùng thấp hoặc nguồn cung dược phẩm thiết yếu bị gián đoạn. LHQ nhấn mạnh ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã bị chệch hướng và không hoàn thành mục tiêu 90-90-90 đề ra năm 2014 về phòng chống HIV/AIDS. Đó là đến năm 2020, 90% người có HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
UNAIDS đã dùng hình ảnh "1 khoảnh khắc, 2 dịch bệnh" để mô tả giai đoạn khủng hoảng hiện nay, khi mà cũng giống như HIV/AIDS, đại dịch COVID-19 đang phơi bày các điểm yếu của thế giới, như bất bình đẳng kinh tế-xã hội dai dẳng, thiếu đầu tư vào y tế công. Tuy nhiên, Tổng Thư kí LHQ Antonio Guterres đã khẳng định rằng, bằng cách ghi nhận những bài học trong cuộc chiến chống HIV/AIDS và cùng nhau hợp tác, "chúng ta có thể bảo đảm rằng các phản ứng y tế quốc gia thực hiện đúng cam kết của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và sức khỏe, hạnh phúc của tất cả mọi người". Chính thách thức "1 khoảnh khắc, 2 dịch bệnh" hiện nay đã tạo ra "3 cơ hội" để thực hiện những thay đổi quan trọng, là nắm bắt các kinh nghiệm, tận dụng phân phối sáng tạo và tăng đầu tư để xây dựng các hệ thống y tế có khả năng chống chọi với cả hai đại dịch trên cơ sở quyền bình đẳng và lấy con người làm trung tâm.
Với thông điệp “Đoàn kết toàn cầu, dịch vụ bền vững” nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12 năm nay, WHO kêu gọi tất cả các chính phủ, nhân viên y tế trên toàn cầu nỗ lực hết sức để duy trì các dịch vụ y tế cho người có HIV. Đồng thời ban hành hướng dẫn khuyến nghị các cơ sở y tế kê đơn thuốc cho người có HIV trong một thời gian dài, lên đến 6 tháng, nhằm giảm gánh nặng cho dịch vụ y tế vốn đang căng thẳng vì dịch COVID-19. Đến nay, 129 quốc gia đã áp dụng chính sách này...