Về nơi “nước non ngàn dặm...”
Nhịp sống văn hóa 14/10/2021 14:12
Cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang, Cầu Hai với Biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tử Dung. Sau này, Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông (em vua Trần Anh Tông) trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên, từ đó cửa biển này có tên là Tư Dung. “Tư Dung” có nghĩa là do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân Công Chúa mà thành.
Theo sách xưa thì cửa biển này xưa thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung. Dùng hai chữ “Tư Dung” để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, mặt khác cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.
Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá chinh Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này có làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ" là một áng thơ hay, rất được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển đi vô không được, hiểm họa ngoại bang đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại cái tên là Tư Hiền.
Từ xa, Túy Vân là một ngọn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, nổi lên bên sóng nước đầm phá Cầu Hai. Ngày xưa, có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Núi có dáng dấp đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Đến đời vua Minh Mạng cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Tuý Ba. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được tùng tu và xây dựng thêm lầu. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được tiếp tục trùng tu và đổi tên chùa Tuý Vân.
Chùa Thánh Duyên |
Chùa Linh Thái, Tuý Vân đều là thắng cảnh của quốc gia
Vua Thiệu Trị liệt Tuý Vân vào thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ "Vân Sơn thắng tích" và cho khắc bia đá dựng bên chùa đặt tên "Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh" (Linh Thái, Tuý Vân đều là thắng cảnh của quốc gia). Trên đỉnh Túy Vân, nổi lên có ngọn tháp ba tầng là Điều Ngự.
Đứng ở tầng 2 và 3, có thể nhìn thấy hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc. Giữa lưng chừng núi là Chùa chính, dưới chân núi còn có ngôi Chùa lớn làm chỗ ở cho chư tăng, trước và sau chùa có nhiều cây lá sum suê. Đặc biệt, hai bên lối đi lên tháp Điều Ngự là hàng tam cấp dài bằng đá, hai bên có nhiều cây thông cổ thụ sừng sững với tiếng chim hót líu lo hòa quyện với tiếng ve kêu râm ran vào hạ của khu rừng gần như nguyên sinh với những ngôi miếu cổ rêu phong cổ kính. Núi Tuý Vân có đỉnh cao 60 mét so với mặt nước đầm phá. Chùa Thánh Duyên trên núi Tuý Vân đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di sản Văn hoá quốc gia.
“Nước non ngàn dặm ra đi”
Giữa bốn bề lau lách, u tịch là tháp cổ Điều Ngự màu hồng 3 tầng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đỉnh núi cao. Trèo lên cầu thang gỗ khi lên tầng 3 (tầng trên cùng) với độ cao 12m này nhìn ra 3 phía (tháp chỉ trổ 3 cửa), tầm mắt mở rộng bởi bán kính hơn 10 km trong buổi trưa trời trong xanh thanh tịnh. Xa xa, rặng Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói nối đến điểm cuối cùng là… bãi cát trắng phau của cửa biển Tư Hiền. Cửa biển này đã bao lần đóng, mở cùng với nỗi thăng trầm của ngư dân do thiên tai lũ lụt.
Vào những ngày hè, đứng trên tháp Điều Ngự mục kích cảnh núi non trùng điệp trong màu lam sương khói xa mờ tận mũi Chân Mây. Núi Tuý Vân như trầm ngâm mong đợi nàng công chúa năm xưa trên bước đường “nước non ngàn dặm” ghé lại. Lòng du khách không khỏi cảm khái, bùi ngùi tấc dạ tưởng nhớ công chúa Huyền Trân.