Thăm núi Tuý Vân, nhớ công chúa Huyền Trân
Văn hóa - Thể thao 01/09/2024 08:16
Du khách khi đến tham quan núi Túy Vân có thể lựa chọn một trong hai tuyến đường tuyệt đẹp. Xuất phát từ TP Huế, men theo Quốc lộ 49B để đến biển Thuận An, du khách sẽ đi qua đập Hòa Duân, sau đó tiếp tục hành trình thêm 40km tới thị trấn Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và cuối cùng là núi Túy Vân, một chốn linh thiêng.
Núi Túy Vân nhìn từ cầu Tư Hiền |
Cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, đóng vai trò như cửa ngõ thông phá Tam Giang và Cầu Hai với biển Đông. Những bậc cao niên trong vùng thường kể rằng, cửa biển này từng có tên là cửa Tử Dung. Tương truyền rằng, công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông (em vua Trần Anh Tông), trước khi xuất giá sang Chiêm Thành, đã ghé qua đây để cúi đầu tưởng nhớ tổ tiên. Từ đó, cửa biển được đổi tên thành Tư Dung. Hai chữ “Tư Dung” chất chứa tình cảm thương nhớ dung nhan thanh tú của công chúa Huyền Trân, tạo nên một tên gọi đầy ý nghĩa và thiêng liêng.
Theo những ghi chép từ thời xa xưa, cửa biển này thuộc về đất nước Chiêm Thành, trong thời nhà Lý được gọi là Ô Long. Đến triều đại nhà Trần, khi vua Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân vào năm 1306, tên gọi đã được đổi thành Tư Dung. Hai chữ “Tư Dung” được chọn với dụng ý vừa ghi dấu cuộc hôn nhân đầy ý nghĩa giữa vua Chiêm và công chúa Việt, vừa tưởng nhớ đến sự hi sinh của công chúa Huyền Trân, người đã đặt hạnh phúc cá nhân phía sau nghĩa vụ mở mang bờ cõi.
Đường lên cổng chùa Thánh Duyên |
Các vị đế vương như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông đều đã đưa quân qua đây. Đặc biệt, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông khi đang trên đường chinh phạt Chiêm, đã nghỉ chân tại cửa biển này và sáng tác bài thơ “Tư Dung hải môn lữ thứ”, một bài thơ tuyệt đẹp và được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Về sau, cửa Tư Dung dần trở nên cạn kiệt, khiến chiến thuyền không thể ra vào, giúp kinh thành Huế tránh khỏi hiểm họa từ ngoại bang. Vì vậy, triều Nguyễn đã đặt tên lại là Tư Hiền.
Chùa Thánh Duyên. |
Từ xa, du khách có thể nhìn thấy Túy Vân như một ngọn núi nhỏ, nổi lên duyên dáng bên sóng nước của đầm phá Cầu Hai. Ngày xưa, ngọn núi này có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Với dáng vẻ đẹp như tranh vẽ, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, ông đã bị mê hoặc bởi phong cảnh hữu tình, nên đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ để cầu phúc cho dân địa phương. Đến thời vua Minh Mạng, ngôi chùa được xây dựng lại và đặt tên là chùa Túy Ba. Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được trùng tu và xây dựng thêm lầu. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa tiếp tục được trùng tu và đổi tên thành chùa Túy Vân.
Vua Thiệu Trị đã xếp Túy Vân vào danh sách thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ “Vân Sơn thắng tích” và cho khắc bia đá dựng bên chùa, đặt tên là “Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh” (Linh Thái, Túy Vân đều là thắng cảnh của quốc gia). Trên đỉnh Túy Vân, nổi bật lên ngọn tháp ba tầng là Điều Ngự. Đứng ở tầng hai và ba, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh của huyện Phú Lộc. Ở lưng chừng núi là chùa chính, còn dưới chân núi là ngôi Chùa Lớn, nơi chư tăng lưu trú. Trước và sau chùa, cây cối xanh tươi, tỏa bóng mát rượi.
Cảnh quan trên đầm phá Cầu Hai |
Đặc biệt, hai bên lối đi lên tháp Điều Ngự là hàng tam cấp dài bằng đá, hai bên trồng nhiều cây thông cổ thụ, sừng sững với thời gian. Tiếng chim hót líu lo hòa quyện cùng tiếng ve kêu râm ran vào mùa Hạ, tạo nên một khung cảnh yên bình của khu rừng gần như nguyên sinh, với những ngôi miếu cổ, rêu phong phủ đầy nét cổ kính. Núi Túy Vân có đỉnh cao 60m so với mặt nước đầm phá. Chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia.
Giữa bốn bề lau lách, tĩnh mịch là tháp cổ Điều Ngự màu hồng ba tầng, đứng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đỉnh núi cao. Leo lên cầu thang gỗ khi lên tầng ba (tầng trên cùng) với độ cao 12m, tầm mắt của du khách được mở rộng, nhìn ra ba phía (tháp chỉ trổ ba cửa). Khung cảnh trước mắt như bức tranh tuyệt mĩ, với bán kính nhìn rộng hơn 10 km trong buổi trưa trời xanh, thanh tịnh. Ở phía xa, dãy Bạch Mã hiện lên mờ ảo trong màn sương khói lam, nối liền với điểm cuối cùng là bãi cát trắng phau của cửa biển Tư Hiền.
Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh đẹp, mà còn có cơ hội sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Sóng nước trên đầm phá Cầu Hai không ngừng xô bờ, gợi nhớ những lần xuất quân của các triều đại Trần, Lê để chinh phạt Chiêm quốc. Cửa biển Tư Hiền đã chứng kiến biết bao thăng trầm của người dân nơi đây, trước những biến động thiên tai và lũ lụt.
Dọc theo con đường cái, du khách sẽ đi qua những ngôi làng nông nghiệp hoang sơ, những đền đài miếu mạo cổ xưa, những làng nghề truyền thống… Chợ quê họp vào buổi chiều, bày bán đủ loại thủy hải sản tươi ngon từ đầm phá Cầu Hai nước lợ đến biển Đông. Cá, ốc đá, ốc hương, hàu, sò, nghêu và tôm với 12 loài như tôm hùm, tôm sú, tôm rằn, cùng cua với 18 loài và nhiều loại thân mềm có giá trị như nuốc, rau câu... đều có giá rất phải chăng. Du khách có thể thưởng thức những món hải sản tươi rói vừa được đánh bắt lên bờ, từ ghẹ luộc, cháo hàu bùi béo, thơm ngọt.
Vào những ngày Hè, đứng trên tháp Điều Ngự, du khách nhìn thấy bầu trời bồng bềnh mây trắng, núi non trùng điệp trong màu lam sương khói xa mờ, tận đến mũi Chân Mây. Núi Túy Vân như chìm đắm trong suy tư, như đang chờ đợi công chúa năm xưa trên hành trình “nước non ngàn dặm ra đi”. Lòng du khách không khỏi cảm khái, bùi ngùi tưởng nhớ công chúa Huyền Trân, người đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc, cùng với sự hi sinh thầm lặng của nàng để mở mang bờ cõi quê hương.