Tư vấn pháp lí về Bình đẳng giới và Quyền của Người cao tuổi
Chính sách - Pháp luật về NCT 01/09/2020 11:00
Hỏi: Ông Huỳnh Văn Bảo bị xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, do ông có hành vi ép buộc người con gái nghỉ học đại học để chuẩn bị lấy chồng nhà gia thế. Ông Bảo muốn biết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện như thế nào, mức xử phạt là bao nhiêu?
Huỳnh Tấn Đạt, 70 tuổi
(Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước)
Trả lời: Điều 16 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.
2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.
3. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định số 55/2009/NĐ-CP;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định số 55/2009/NĐ-CP .
Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện được pháp luật quy định như trên và mức phạt tiền đến 30.000.000 đồng.