Bảo hiểm xã hội cho NCT - Vấn đề cần quan tâm
Chính sách - Pháp luật về NCT 12/05/2023 10:45
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ |
PV: Thưa TS Trương Xuân Cừ, ông nghĩ gì về thực trạng BHXH nói chung và BHXH cho NCT hiện nay?
TS Trương Xuân Cừ: Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn; góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 28, sau 6 năm thi hành Luật BHXH năm 2014, đến hết năm 2020, tổng số người tham gia BHXH là 16,19 triệu người, đạt 35,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm 3,61 triệu người (trung bình mỗi năm tăng 4,7%).
Đến hết năm 2022 tổng số người tham gia BHXH toàn quốc là 17,49 triệu người, đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hiện cả nước đang thực hiện chế độ, chính sách cho trên 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hằng tháng và 1,9 triệu người hưởng trợ cấp xã hội (TCXH) hằng tháng.
Cần có chính sách BHXH phù hợp đối với NCT |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm 2020, số người lao động tham gia BHXH giảm, số người lao động tham gia mới giảm, trong khi số người lao động rút BHXH một lần tăng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Năm 2020 có 860.000 người rút BHXH một lần, năm 2021 có 960.000 người và năm 2022 có 895.000 người rút BHXH một lần. Sau 13 năm triển khai, đến hết năm 2020, mới có khoảng trên 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 3,7% so với đối tượng thuộc diện tham gia.
Hiện cả nước có trên 12 triệu NCT, mới chỉ có hơn 3 triệu NCT đang được hưởng lương hưu (từ BHXH và bảo trợ xã hội), trên 1,7 triệu NCT được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước, số còn lại chưa được hưởng bất kì chính sách trợ cấp nào… Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu NCT không có lương hưu.
Hiện cả nước có 6,5 triệu NCT vẫn đang phải lao động kiếm sống, không có lương hưu và TCXH, nên đời sống rất vất vả và gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong NCT đã đạt khoảng 95%, tuy nhiên, có chưa đến 30% NCT được hưởng BHXH.
Ở một số nước khi đến tuổi theo quy định thì mặc nhiên được hưởng trợ TCXH. Nhưng hiện nay ở nước ta, chỉ những NCT 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp xã hội hoặc NCT từ 75 tuổi thuộc hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số mới được hưởng và đang ở mức thấp.
PV: Theo ông, BHXH nói chung và BHXH tự nguyện có ý nghĩa như thế nào đối với NCT?
TS Trương Xuân Cừ: BHXH nói chung và BHXH tự nguyện cho NCT chính là chỗ dựa vật chất an sinh khi về già. Tuy nhiên, đại đa số người dân ở vùng nông thôn và miền núi lại không tham gia BHXH tự nguyện vì vậy mà cuộc sống tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức về BHXH tự nguyện chưa đầy đủ, hoặc do điều kiện kinh tế quá khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được hưởng lương hưu khi về già và không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cháu. Mặt khác, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng bảo hiểm y tế khi nhận lương hưu, được hưởng chế độ tử tuất. Thực tế cho thấy, những người tham gia BHXH tự nguyện khi về già được chăm sóc y tế tốt hơn, hưởng nhiều lợi ích hơn. Nhờ có lương hưu mà các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng tốt mà không cần đến sự hỗ trợ khác. NCT còn được lo cả hậu sự sau khi mất nên luôn có tinh thần thoải mái và sống lạc quan hơn rất nhiều.
Với các chính sách mới, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người. Mức hỗ trợ mới sẽ phần nào giải quyết được tình trạng người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Hạn chế được số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng hoặc hưởng BHXH một lần. Hướng người dân tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lợi ích cao nhất, có lương hưu khi về già.
Hội NCT TP Hà Nội phối hợp với nhà tài trợ tặng quà NCT hoàn cảnh khó khăn huyện Mỹ Đức |
PV: Theo ông, Đảng, Nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ người dân và NCT tham gia đóng BHXH và bao phủ tỉ lệ đóng BHXH trên diện rộng?
TS: Trương Xuân Cừ: Để giảm tải áp lực lên chính sách trợ cấp xã hội cho NCT, giải pháp cấp bách hiện nay là cần tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bao phủ diện rộng ra toàn dân. Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật BHXH phù hợp, xem xét giảm thời gian đóng BHXH và mức đóng nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo (có thể hỗ trợ 100% mức đóng đối với hộ nghèo và 70% mức đóng với hộ cận nghèo).
Cần có chính sách thực hiện xã hội hóa ở mức cao nhất; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ để có BHXH cho nhiều người. Có cơ chế linh hoạt hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện của NCT và những người tiền cao tuổi (tham gia BHXH muộn).
Hiện nay, NCT (từ 80 tuổi trở lên và từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn) không có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ được hưởng TCXH hằng tháng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Luật BHXH, người lao động phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và bảo đảm tuổi đời theo quy định để được hưởng chế độ hưu trí; thời gian đóng BHXH khá dài, dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình)...
Như vậy, để BHXH tự nguyện là chỗ dựa an sinh cho NCT, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Những đóng góp nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia cần được triển khai và đẩy mạnh hơn nữa. Trung ương Hội NCT Việt Nam cũng mong muốn và kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét có chính sách trợ cấp xã hội cho người từ 75 tuổi thuộc hộ nghèo trong toàn quốc và hộ cận nghèo thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn.
PV: Trân trọng cảm ơn TS Trương Xuân Cừ!