Tranh dân gian làng Đông Hồ
Xã hội 02/01/2021 14:00
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng anh có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh
Làng Mái là tên của làng Đông Mai, cái tên trước đây của làng Đông Hồ, gọi nôm là làng Hồ. Làng Đông Hồ là quê hương của tranh dân gian Việt Nam, một nghệ thuật thuần túy dân tộc, xuất phát từ điều kiện sinh hoạt xã hội nông nghiệp của Nhân dân ta và tâm hồn phong phú, phóng khoáng, chân thực của những nghệ nhân dân gian.
Hai bà Trưng |
Tranh làng Hồ in trên loại giấy dó là loại giấy dân tộc chế tạo bằng tre, nứa. Loại giấy này có đặc tính bền, dai, ăn màu, nhất là các loại màu được chế tạo bằng nguyên liệu thực vật. Những tờ giấy dó được quét lên trên bằng loại điệp, là chất bột màu của vỏ sò, hến biển, đã được đốt thành than tán nhỏ. Mặt giấy dó lúc đó đã trở thành trắng mịn, một màu trắng khá độc đáo, đẹp và thanh nhã.
Những màu sắc dùng để in tranh cũng hoàn toàn dân tộc. Nghệ nhân dùng những chất liệu thiên nhiên có sẵn; than rơm cho màu đen, càng để lâu càng đậm và lại xốp; màu xanh rỉ đồng; màu vàng của dành dành, hoa hòe; màu lam của lá chàm. Tất cả những màu sắc nguyên chất này được dùng để vẽ trong một bức tranh, đã tạo nên màu rực rỡ vừa hài hòa vừa tương phản, khiến bức tranh trở nên đẹp, gợi cảm…
Nghệ nhân làng Hồ đã dùng chất liệu gỗ để khắc tranh, thường là dùng gỗ thị, loại gỗ vừa nhuyễn vừa bền lại dễ khắc, không bị mọt. Có khi nghệ nhân dùng gỗ vàng tâm để làm bản khắc.
Đám cưới chuột |
Nội dung của tranh Đông Hồ rất phong phú và phản ánh được nhiều vẻ của đời sống, đồng thời biểu hiện tính trữ tình, tính anh hùng của Nhân dân trong nhận thức với Tổ quốc, với xóm làng, với gia đình, bạn bè, tình yêu... Ta có thể xếp loại như sau:
Tranh thờ: Loại tranh tôn giáo dùng để thờ cúng ở các chùa, miếu, nhà riêng. Nghệ nhân đã lấy các điển tích trong đạo Phật, đạo Lão mà vẽ qua sự tưởng tượng của mình. Đó là những bức tranh Thập điện, Phật Bà Quan Âm, Phật nhập Niết Bàn, Hắc hổ, Ngũ hổ thần tướng, ông Hoàng cầm quân, Bà Chúa thượng ngàn v.v... Tuy chủ đề tôn giáo, nhưng nghệ nhân đã thể hiện những nhân vật gần gũi với cuộc sống quanh mình.
Tranh sinh hoạt xã hội: Phản ánh những ước mơ của con người hoặc những điều kiện sinh hoạt xã hội như tranh gà, lợn nói lên sự giàu có sung túc; tranh tiến tài tiến lộc, bầu bí, hái đào nói lên sự thịnh vượng. Có những tranh ca ngợi lao động như cày bừa, tát nước, làm mùa, chăn trâu v.v... Những tranh diễn tả niềm vui trong sinh hoạt như: Đánh vật, đánh cờ, đánh đàn. Có những tranh đả kích như: Tranh đánh ghen, thầy đồ cóc, đám cưới chuột...
Tranh diễn ra cảnh vật: Gồm các loại tranh cỡ nhỏ và các loại cỡ lớn treo chiếc một như cá trông trăng, chim công, tranh tứ bình (bốn chiếc) vẽ cảnh bốn mùa và tranh tố nữ vẽ bốn cô gái, bên trên có đề thơ và tranh hứng dừa.
Tranh nội dung là truyện cổ tích: Lấy chủ đề trong các truyện cổ tích dân gian và các truyện như: Thạch Sanh, Kim Vân Kiều, Bích Câu Kì Ngộ, Nhị độ mai, Bát tiên quá hải, v.v...
Tranh có chủ đề lấy trong lịch sử dân tộc ta: Loại tranh này xuất hiện sớm hơn những loại tranh khác và thường vẽ những anh hùng có công chống xâm lược như: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, v.v...
Trong mỗi bức tranh thường có đề thơ viết bằng chữ nôm và viết bằng chữ quốc ngữ; những câu thơ này thường là do nghệ nhân sáng tác ra, nhìn tranh mà tức cảnh hoặc là lấy những câu phong dao, ca dao đã có sẵn để minh họa cho tranh. Lời của những bài thơ này mộc mạc, chân thực, trữ tình và phong phú về hình tượng nghệ thuật, đạt tới mức độ truyền cảm:
Cuộc sống đồng quê:
… Mẹ với chị Hai đang cấy dở
Cha cùng chú Sửa mới bừa xong
Heo, gà, vịt, ngỗng kêu vòi bữa
Cuộc sống êm trôi chẳng bận lòng.
Chơi xuân:
Hội xuân nô nức khắp xa gần
Màu thắm hoa chen sắc áo quần
Yếm thắm em khoe tô xứ Lạng
Quần thoa chị diện lụa làng Vân.
Hai Bà Trưng
Mê Linh tiếng trống hùng vang dội
Lãng Bạc bóng cờ nghĩa chói ngời
Quét sạch quân thù ghi sử mới
Rạng danh trang liệt nữ đương thời.
Ham học
Chí lớn dày công đời đắc dụng
Ngàn sau sáng mãi tấm gương soi.
Và còn nhiều loại tranh khác không đề thơ nhưng căn cứ vào nội dung mỗi bức tranh là ta có thể liên hệ ngay đến những câu ca dao, phong dao, tục ngữ phong phú trong kho tàng văn học dân gian giàu có, tươi đẹp của Nhân dân ta.
Qua tranh dân gian làng Đông Hồ, có thể suy nghĩ: Nhân dân ta vốn có truyền thống văn hiến và anh hùng từ lâu đời. Văn hiến vì đã có nền nghệ thuật, văn học cổ truyền và rực rỡ, anh hùng vì trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Nhân dân ta đã lập bao chiến công rực rỡ, đánh bại bao cuộc xâm lược.
Những cảnh sinh hoạt vui tươi, những ước mơ hạnh phúc của con người đã thể hiện ở trong các tranh gà, lợn, hứng dừa, cấy lúa, rực rỡ màu sắc của thiên nhiên và tình cảm con người.
Những anh hùng dân tộc có chiến công vẻ vang chống xâm lược như: Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, v.v.... Chứng tỏ những người vì dân, vì nước bao giờ Nhân dân cũng tôn thờ, nhớ ơn mãi mãi.