Tránh bỏ sót hỗ trợ các nạn nhân bom mìn
Tin tức 09/12/2023 13:28
Hội thảo nhằm cập nhật các văn bản chính sách khung pháp lý; chương trình và kế hoạch quốc gia liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật, cập nhật những dự án, mô hình, sáng kiến mới trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mình và người khuyết tật nói chung; chia sẻ của các bên về kế hoạch ưu tiên và các thách thức trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó, có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm đi-ô-xin. Số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn đặc biệt như: Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025; Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 22/6/2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023-2025.
TS Hà Thị Minh Đức phát biểu khai mạc hội thảo |
Cùng với việc ưu tiên rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Họ được thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, trợ giúp nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng. Nạn nhân bom mìn được tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu. Bộ LĐ-TB&XH đã thúc đẩy mô hình giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, trong đó có các nạn nhân của bom mìn thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các Hội Người khuyết tật ở các địa phương với mục tiêu giới thiệu việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho hàng ngàn người khuyết tật.
Tuy nhiên theo bà Đức, bên cạnh những nỗ lực, những chính sách hỗ trợ thì công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn cũng gặp không ít thách thức, vấn đề đặt ra như: làm thế nào để có thể sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có để trợ giúp hiệu quả đúng đối tượng, tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp, tránh chồng chéo với những trợ giúp cho các đối tượng xã hội nói chung, đảm bảo công bằng xã hội.
Hội thảo lần này đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung về đánh giá kết quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn và định hướng 2021-2025; tổng quan về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam và kế hoạch giai đoạn 2023- 2025; chia sẻ kinh nghiệm dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn của UNDP; thông tin Dự án tăng cường chương trình hỗ trợ nạn nhân ở các nước thành viên ASEAN, v.v.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Ông Đoàn Hữu Minh, cán bộ chương trình của UNDP tại Việt Nam, cho biết tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn trên toàn quốc. Từ đó, cơ quan chức năng mới có thể nắm bắt được nhu cầu của từng người để có hỗ trợ thích hợp và kịp thời theo mô hình thực hành công tác xã hội. Sau quá trình thực hiện hỗ trợ nạn nhân bom mìn theo mô hình thực hành công tác xã hội, đánh giá nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp cho từng trường hợp nạn nhân, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đánh giá đây là cách làm rất hiệu quả, nên tiếp tục duy trì. Quảng Bình là địa phương được nhận tài trợ của tổ chức KOICA để triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở địa phương, kết quả đã hỗ trợ được 210 hộ. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được hỗ trợ, đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đề nghị KOICA tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn chưa được hỗ trợ đợt này.