TP Đà Nẵng: Hỗ trợ người dân qua cơn... bĩ cực!
Xã hội 08/07/2021 14:27
Du lịch, nhà hàng, quán nhậu… thở dài
Tại thành phố Đà Nẵng, gần 2 tháng nay, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, dải bờ biển tuyệt đẹp chạy dài qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn những ngày qua vắng lặng, không có du khách ghé thăm, nhiều khách sạn, nhà hàng cửa đóng then cài. Những chương trình du lịch, những lễ hội biển được ngành du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp dốc hết tâm sức đầu tư giờ chót cũng đã phải dừng lại khi “cơn bão” Covid-19 liên tiếp “đổ bộ” vào đây.
Mùa Hè là “mùa vàng” du lịch Việt, rất nhiều địa phương rộn ràng “trình làng” các tour độc đáo, thú vị hi vọng thu hút hàng triệu du khách sau đợt “mất mùa” dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nhưng, Covid-19 lại trở lại lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 khiến ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng lại một lần nữa chao đảo, dự báo một mùa du lịch hè… thất thu.
Chị Bích Hương, nhân viên một công ty du lịch ở Đà Nẵng cảm thán: Đôi lúc cũng chùn bước lắm, cũng nản chứ. Mong rằng, rồi sẽ có một ngày nhà nhà âm tính, người người an yên. Sau này, khi hết dịch sẽ nhìn lại như một trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống, về cách ứng xử tử tế qua sự nhường nhịn, sẻ chia, nắm tay nhau để cùng vượt qua đại dịch này!”.
Dịch bệnh xảy ra đúng vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, du lịch biển, nhiều người vay tiền để đầu tư làm dịch vụ nhưng tiền kinh doanh không đủ trả lãi suất ngân hàng. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ việc.
Người lao động nghèo, người bán vé số gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch |
Sau đợt bùng phát dịch cuối tháng 4/2021, nhà hàng đóng cửa, đến ngày 9/6 thành phố cho phép loại hình kinh doanh ăn uống được phục vụ trở lại, nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu rất mừng, gọi lại nhân viên, khử khuẩn, lau chùi bàn ghế để đón khách. Thế nhưng chỉ hoạt động được đúng 1 tuần thì lại phải đóng cửa và chờ đợi... khiến người kinh doanh khốn khổ.
Nỗi lo lớn nhất của các chủ quán ăn, quán cà phê hiện tại là tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên. Hiện mỗi tháng cho phí mặt bằng với quán nhỏ cũng từ 5-10 triệu đồng, với quán lớn có thể lên tới vài chục triệu đồng, thêm tiền lương nhân viên, ngót nghét cũng phải kiếm tiền triệu mỗi ngày thì mới không thua lỗ. Thời điểm dịch bệnh tạm ổn có thể bán lai rai cả ngày, khách khứa khá đông nhưng hiện tại chỉ cho phép bán mang về nên doanh thu giảm đến 70%. Với suy nghĩ “ít còn hơn không”, nhiều chủ quán đành phải xoay đủ đường để duy trì qua đợt dịch này.
Không chỉ những chủ quán cà phê, quán cơm, mà thảm thương nhất là những chủ nhà hàng, quán nhậu. “Bây giờ chỉ biết mỗi sáng mở mắt ra mất vài triệu đồng tiền thuê mặt bằng rồi, trong khi không thể kinh doanh để thu lại, thiệt hại thực sự rất khó đong đếm. Kinh doanh mà cứ khắc mở khắc đóng thế này thì chịu không thấu!”, anh Tuấn, chủ Nhà hàng Cua Đỏ ngao ngán chia sẻ.
Trong suy nghĩ của người dân làm du lịch nơi đây vẫn còn nhiều mong ngóng: Mong làm sao dịch bệnh sớm qua đi, để biển Đà Nẵng lúc nào cũng đông khách, những quán hàng, khách sạn lại mở cửa thâu đêm suốt sáng, để khách du lịch đi dạo mát và mở rộng các dịch vụ phục vụ khách.
Người lao động nghèo càng thêm chật vật
Gần 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, hàng chục ngàn lao động nghèo ở thành phố Đà Nẵng đã và đang hứng chịu nhiều nhọc nhằn, vất vả trên con đường mưu sinh. Khó khăn nhất phải kể đến những người bán vé số dạo, những người lao động thời vụ hay những người lượm ve chai, người bán hàng rong...
Như bà Loan (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thời điểm dịch bệnh tạm ổn, bà bán hơn 200 tờ vé số mỗi ngày, nhưng bây giờ sau nhiều giờ cuốc bộ vài chục cây số cũng chỉ bán được hơn 60 tờ. “Trước khi có dịch cũng kiếm được ngày ít đồng, mà từ khi có dịch tới giờ kiếm không được. Già yếu chân nhức mỏi ghê lắm mà cũng phải ráng đi”, bà Loan mệt mỏi nói.
Nhiều ngày qua, khoảng 20h là bà Nguyễn Thị Hồng quê ở Phú Yên ra Đà Nẵng mưu sinh lại tất tả rong ruổi ra phố để nhặt ve chai ban đêm. Ở cái tuổi ngoài 60 tuổi, bà lượm ve chai đã mấy năm nay, trong những ngày này chiếc túi đựng ve chai của bà nhẹ tênh, số lượng chưa tới 1/5 ngày thường. Những ngày này thời tiết ở Đà Nẵng nắng nóng khốc liệt, những người cao tuổi như bà có lúc hoa mắt, xây xẩm mặt mày.
Phố phường những ngày dịch dã còn rất nhiều những mảnh đời lam lũ giống như bà Hồng, bà Loan. Với họ, bây giờ kiếm được đồng nào hay đồng ấy và quan trọng là giữ cho mình được mạnh khỏe.
Có lẽ, không chỉ người lao động nghèo ở Đà Nẵng, mà còn ở rất nhiều địa phương khác đang oằn mình trong dịch bệnh và cũng đang có những khó khăn như vậy. Trong đợt dịch, các điểm phát cơm từ thiện, hỗ trợ lương thực thực phẩm, hỗ trợ vật dụng y tế vẫn được lập ra bởi những người hảo tâm để "cứu" người lao động khó khăn qua cơn hoạn nạn, nhưng kế sinh nhai lâu dài trong và sau dịch bệnh mới thực sự khiến nhiều người lo âu.
Trước khó khăn của hàng ngàn lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị chính quyền và các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid - 19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND thành phố về chính sách hỗ trợ người lao động, dự kiến lên tới 100 tỉ đồng.
Trong tháng 6 vừa qua, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã trao 5.000 suất quà cho công nhân, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết: “Tuy sự hỗ trợ này chưa lớn, nhưng đó là sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời đối với người lao động trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời nghiên cứu giải pháp hỗ trợ lâu dài, nhất là với lao động ngành du lịch”. Chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý với chủ trương cho người lao động ngành du lịch vay vốn không cần thế chấp với số tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng, để giúp nhân lực ngành du lịch duy trì cuộc sống trong thời gian mất việc làm.