Tỉnh Quảng Trị: Vươn lên từ biển khơi
Xã hội 02/07/2019 09:31
Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài 75km, ngư trường rộng 8.400km2 nối cửa Vịnh Bắc Bộ với Biển Đông, trữ lượng thủy hải sản 60 nghìn tấn/năm. Mười năm qua với nhiều cách làm hay, hiệu quả về chiến lược phát triển biển, sản lượng khai thác thủy hải sản đạt gấp đôi, năm 2018 đạt gần 25.000 tấn…
Tỉnh có 5 huyện (trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ) gồm 16 xã, thị trấn ven biển với gần 16 nghìn lao động nghề biển, trong đó trên 7 nghìn lao động trên biển. Thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Tỉnh ủy, UBND và các cấp, các ngành của tỉnh tạo bước phát triển quan trọng trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tỉnh thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, tạo sự phấn khởi và tin tưởng của bà con ngư dân khi đầu tư, nâng cấp tàu thuyền vươn khơi khai thác thủy sản.
Đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh có 2.311 chiếc với tổng công suất 119 nghìn CV, trong đó tàu cá xa bờ từ 90 CV trở lên có 221 chiếc, tăng 74% so với năm 2012. 25/32 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ Composite. Hằng năm, tỉnh tổ chức 2 - 3 lớp đào tạo thuyền trưởng và máy trưởng hạng V, IV cho ngư dân, nhất là loại tàu vỏ thép công suất trên 400 CV. Nhiều mô hình sản xuất theo tổ đội, tổ hợp tác phát triển, ngư dân luôn hỗ trợ nhau khi gặp sự cố và chia sẻ ngư trường cùng phát triển bền vững. Khi phát hiện có luồng cá lớn, họ gọi nhau đến cùng đánh bắt, lúc gặp nạn giúp nhau lai dắt vào bờ, không để xảy ra tai nạn trên biển.
Nghề biển Quảng Trị những năm gần đây xuất hiện nhiều làng tỉ phú. Nằm cạnh Cửa Việt, huyện Gio Linh là làng chài Tân Lợi chuyên đánh bắt ở các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc bộ, Tây Nam Bộ. 5 năm trở lại đây, làng trở nên giàu có, một tàu đánh bắt xa bờ một chuyến ra khơi thu 4 - 5 tấn cá thu. Trong số 200 hộ dân, thì 180 hộ có tổng tài sản không dưới 6 tỉ đồng, trên 50 hộ có tổng tài sản không dưới 70 tỉ đồng. Ông Huệ, một ngư dân làng chài cho biết, chỉ có đánh bắt xa bờ mới có cơ hội làm giàu, bởi tại những vùng biển xa, nguồn lợi hải sản hết sức phong phú. Tàu vỏ thép của gia đình ông có công suất 500 CV, một chuyến đi khơi 10 - 15 ngày, lãi ròng 400 - 500 triệu đồng.
Cũng như nhiều địa phương khác, 10 năm trở lại đây Quảng Trị hình thành những đội tàu dịch vụ, vận chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ, đồng thời cung cấp nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết, giúp các tàu khai thác yên tâm bám biển dài ngày. Dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước phát triển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá ngày càng hoàn thiện. Nhiều cơ sở hạ tầng nghề cá quan trọng được đưa vào sử dụng hiệu quả như cảng cá Cửa Việt, Cửa Tùng, cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ giai đoạn II. 2 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền được hình thành là Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt và Công ty TNHH đóng tàu Triệu An, đóng tàu cá vỏ thép có công suất lớn trên 400CV.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, Nghị định 67 của Chính phủ và chiến lược phát triển thủy sản đã tiếp lực cho ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi. Nhiều ngư dân Quảng Trị đã quen với làm ăn lớn, đầu tư tàu to, trang bị máy tầm ngư, hệ thống liên lạc vô tuyến hiện đại, có khả năng vươn tới những ngư trường xa.
Tỉnh thu hút đầu tư xây dựng Cửa Tùng và Cửa Việt thành những trung tâm nghề cá, nhất là về chế biến thủy sản xuất khẩu. Xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh gắn với sản phẩm thế mạnh của địa phương như tôm sú, mực ống, tôm thẻ chân trắng, cá thu, cá ngừ... (Còn nữa)