Vùng Cảnh sát biển 3 thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Xã hội 03/07/2019 10:57
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: “Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhằm duy trì phát triển kinh tế bền vững trong thời kì đổi mới và hội nhập. Đó là những giải pháp để đưa Quảng Trị mạnh về biển, giàu từ biển”…
Quảng Trị nằm ở trung điểm của đất nước, có vai trò quan trọng trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Lào - Thái Lan - Myanma qua 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đến các cảng biển lớn của miền Trung. Hai cửa lạch lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt, dọc bờ biển có nhiều vũng kín thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền.
Nhờ nguồn vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân Quảng Trị mạnh dạn đầu tư, trang bị đồng bộ ngư cụ, thiết bị hàng hải, ứng dụng máy định vị, dò cá thế hệ mới; biết ứng dụng KHKT vào khai thác thuỷ sản, nhất là các nghề lưới rê khơi, rê bùng nhùng, vây, lưới chụp… Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 162 chuyến tàu khai thác vùng biển xa bờ, ước sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 14.540 tấn, tăng 20% so với cùng kì năm 2018. Đặc biệt, ngư dân Lê Văn Viện ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh đầu tháng 2/2019 cùng 12 thuyền viên đánh bắt mẻ cá bè xước vàng 150 tấn thu về 7,5 tỉ đồng.
![]() |
Cảng cá Cửa Việt |
Trong 10 năm trở lại đây, những ngư dân huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong, Hải Lăng… coi các ngư trường xa của Tổ quốc như là máu thịt thiêng liêng, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài bám biển nuôi sống gia đình, vươn lên làm giàu thì sự hiện diện của họ còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ở làng chài Cửa Việt, không họ tộc nào “hùng mạnh” bằng họ Bùi Đình khi hàng trăm con em dong thuyền lớn nhằm hướng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ, với đội tàu thuyền chiếm đến 2/3 tổng số tàu thuyền của toàn thị trấn, trong đó có khoảng 30 tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn. Ngư dân Bùi Đình Sành cho biết: “Cùng dòng tộc nên đoàn kết. Một tàu trúng cá thông báo cho nhau cùng đánh bắt. Khi tàu nước ngoài xâm phạm, chúng tôi tập trung tàu đối phó”.
Còn nhớ những thời kì dài, sau mỗi chuyến đánh bắt khơi xa, có khi một nửa lượng hải sản bị giảm chất lượng hoặc hư hỏng do bảo quản lâu ngày trên biển. Giờ đây câu chuyện đó đã lùi vào quá khứ. Nhờ Nghị định 67 của Chính phủ, tàu dịch vụ hậu cần nay đóng vai trò quan trọng trong chiến lược khai thác hải sản. Trên những ngư trường quốc tế, truyền thống của ngư dân Quảng Trị, những con tàu đánh bắt có thể bán hải sản ngay trên biển, mua thêm nhu yếu phẩm, nhiên liệu từ các tàu hậu cần để tiếp tục hành trình bám biển nên hiệu quả kinh tế của nghề biển tăng lên đáng kể.
Bên cạnh những cơ hội lớn để vươn ra làm chủ, làm giàu từ biển thì vùng biển, hải đảo… ngư dân đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc quản lí, khai thác và sử dụng tài nguyên biển chưa bền vững là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển.
Trao đổi về hoạt động bảo vệ môi trường biển đảo, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: “Với vai trò không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế biển mà còn gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia, Quảng Trị cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; cụ thể hơn những nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên môi trường biển và các quy định pháp luật liên quan khác, nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển”.