Thông qua quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Tăng Bạt Hổ
Tin tức 08/11/2024 13:50
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 19 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII |
Đây là một trong những căn cứ pháp lý để lập đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng, cấp giấy phép xây dựng; quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về kiến trúc của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Quy chế quản lý kiến trúc đô thị để quản lý và thực hiện việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương trong kiến trúc đô thị. Làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tổ chức lập thiết kế đô thị riêng đối với khu vực có ý nghĩa quan trọng, các tuyến đường; xác định vị trí, quy mô các công trình cần thi tuyển phương án kiến trúc để tạo điểm nhấn đô thị.
Quy chế này quy định quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, bao gồm 5 khu phố: Du Tự, Gia Chiểu 1, Gia Chiểu 2, Gò Cau, Thanh Tú.
Các khu vực có yêu cầu cao về cảnh quan: Khu vực ven sông Kim Sơn, khu vực núi Du Tự; Quảng trường 19/4 – Hồ sinh thái Bầu Đưng; 3 công viên lớn là Công viên trung tâm (công viên trước khối hành chính trung tâm huyện), Công viên dọc đường D8 (Đồng Thanh Nam), Công viên Phố đi bộ.
Các khu vực có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc: 6 trục đường chính là đường ĐT.630, Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành; đường Nguyễn Châu, Quang Trung; đường Trần Đình Châu; đường Phạm Văn Đồng - Chàng Lía; đường 19 Tháng 4 - Trường Chinh; đường ven sông Kim Sơn.
4 khu vực cửa ngõ đô thị gồm: Khu vực cửa ngõ phía Bắc, hướng đi Hoài Nhơn; cửa ngõ phía Đông, hướng đi Ân Phong; cửa ngõ phía Tây, hướng đi Ân Đức; cửa ngõ phía Nam, hướng đi Ân Phong. 4 khu vực trung tâm văn hoá, thể dục thể thao, hành chính là Trung tâm TDTk 1; khu trung tâm hành chính; khu Trung tâm văn hoá; khu trung tâm TDTT 2.
Huyện Hoài Ân xây dựng thị trấn Tăng Bạt Hổ với kiến trúc không gian hiện đại |
Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu đối với kiến trúc đô thị phải hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông.
Kiến trúc nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực. Công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông. Hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị.
Công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng. Công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.
Cùng đó, thiết kế kiến trúc phải tích hợp giải pháp kiến trúc với quy hoạch; phải xem xét toàn diện các yêu cầu về kinh tế - xã hội, công năng, kỹ thuật, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bản sắc văn hóa dân tộc và các yêu cầu khác đối với công trình; bảo đảm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dễ dàng tiếp cận sử dụng.