Thanh Hoá: Lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư
Đầu tư - Tài chính 17/11/2022 08:06
Những năm qua, với khát vọng thịnh vượng, quyết tâm cao và hành động quyết liệt, Thanh Hóa đã và đang vươn mình bứt phá mạnh mẽ; đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Có được kết quả này không thể không kể đến sự đóng góp lớn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
| ||
Thanh Hoá có nhiều lợi thế, được ví như một Việt Nam thu nhỏ; là mảnh đất có truyền thống lịch sử 991 năm, với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị và cũng là vùng đất hiếu học. Đây cũng là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; lực lượng lao động khoảng 2,26 triệu người trong độ tuổi vàng, trình độ văn hóa, chuyên môn tương đối cao phù hợp nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh. Thanh Hóa có đường biên giới dài 192 km; bờ biển dài 102 km...
10 năm gần đây, Thanh Hoá đang có bước phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 11%; quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước với nhiều dự án trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế. Hàng loạt dự án đầu tư đang được triển khai tại Thanh Hoá với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Flamingo, Xuân Thiện, Tập đoàn khoáng sản Đại dương, VAS Nghi Sơn... Một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay phải kể đến Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, Thanh Hóa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Tại Hội nghị, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án, trong đó, có 1 dự án của tập đoàn Millenium Energy của Hoa Kỳ; một số nhà đầu tư của Hoa Kỳ cũng đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, du lịch...
Sự phát triển của doanh nghiệp trong và ngoài nước chính là đòn bẩy giúp nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có bước đột phá mới. Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 333 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 305 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 50.154 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế đến nay có 139 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,45 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký 4.386 tỷ đồng. Riêng thu hút FDI, Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung.
Được biết, tính đến cuối tháng 10-2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, với tổng diện tích 1.447,39 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.125,4 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả các CCN, các chủ đầu tư hạ tầng CCN đang tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, địa phương còn tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN, ban hành quy chế quản lý riêng của các CCN. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.
| ||
Thanh Hoá có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, tỉnh đã áp dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Những điều này, Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp tục là môi trường đầu tư lý tưởng cho những nhà kinh doanh thông thái.
Khi nhà đầu tư đến với tỉnh Thanh Hoá luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành tích cực. Việc các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Thanh Hoá coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ không chỉ tạo nên sức hút để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào tỉnh mà còn truyền động lực để các nhà đầu tư vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, triển khai và xây dựng các dự án đảm bảo và vượt tiến độ, góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng và nhanh chóng đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của tổ quốc.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá cho biết: Sở xác định để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Thanh Hóa là phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
| ||
Ông Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh: “Với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh về đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở sẽ tập trung tham mưu các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI), nhằm tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương. Cùng với đó, Sở tập trung đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế; chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu, các dự án sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực.”.