Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt

Sự kiện 21/11/2023 13:59
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.
PCTN còn nhiều tồn tại, hạn chế
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền...; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN.
![]() |
ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận): "tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử” |
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do công tác PCTN ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục sau thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng còn có những hạn chế. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực chưa cao. Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu bản lĩnh, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn tồn tại, hạn chế, dẫn đến tình trạng văn bản được ban hành có sơ hở, bất cập hoặc tạo ra các điều kiện, thủ tục hành chính bất hợp lý, có thể bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng bên cạnh đạt được nhiều kết quả tích cực, vẫn còn có những hạn chế. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, còn có trường hợp Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.
“Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho biết.
Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp, đó là: phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Có loại hình tội phạm tăng
Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết, và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.
Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là: Số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen; Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở…;
![]() |
ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu sáng ngày 21/11. |
Xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận...
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), công tác phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Tuy nhiên, có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng; tai nạn giao thông mặc dù có giảm, vụ cháy nổ lại tăng mạnh nhưng mỗi khi có sự những sự cố xảy ra, số người chết và bị thương lại mang tính tập thể.
Thậm chí, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ; tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng, đây là một hiện tượng rất bất thường. Đại biểu cho rằng, đây là thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Từ những thực tế trên, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc có số người vi phạm tăng, trong khi các vụ giảm không đáng kể. Đồng thời tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.
Băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, các kết quả đạt được trong điều kiện biên chế và kinh phí chưa đầy đủ, áp lực công việc rất nhiều. Mặc dù các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều. Do đó, cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.
“Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để tìm ra chân lý, làm đúng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, giải thích áp dụng pháp luật”, đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.