Tạo “vùng xanh” cho doanh nghiệp sinh tồn
Kinh tế 26/08/2021 17:24
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2021 cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, với tổng số vốn đăng kí 1.065.400 tỉ đồng, tổng số lao động đăng kí 555.500 người; tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng kí và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kì năm trước.
Cũng trong thời gian này, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kì 2020, bao gồm gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kì năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Theo đó, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác; vận tải, kho bãi; giáo dục, đào tạo; thông tin và truyền thông; sản xuất phân phối điện, nước, gas.
Cánh đồng lúa chờ thu hoạch |
Thêm vào đó, PMI - chỉ số quản lí sức mua phản ánh triển vọng hoạt động của khu vực doanh nghiệp, sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2018 tới 54,7 thì vào tháng 4/2021 giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống 44,1 trong tháng 6 và 45,1 trong tháng 7.
Điều này chứng tỏ sản xuất bị thu hẹp, khối doanh nghiệp còn tồn tại đang đương đầu với rất nhiều khó khăn, sức chống chịu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, cũng như các biện pháp duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng và gây hậu quả khôn lường.
Tạo “người xanh”, “vùng xanh” cho doanh nghiệp
Trên thực tế, để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thiết yếu, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng “vùng xanh” an toàn ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Đồng Nai với lợi thế về chăn nuôi, sẽ là nơi cung cấp nguồn gia súc, gia cầm rất lớn. Đối tượng chăn nuôi này đa số là NCT, từ Lâm Đồng họ cung cấp lượng lớn gia cầm lên Đồng Nai. Việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất đều thông qua các đơn vị trung gian. Thế nhưng hiện nay, các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế người dân ra đường và các thương lái vì chưa được tiêm vaccine nên cũng hạn chế tổ chức thu mua. Tình trạng này khiến nguồn cung khan hiếm, dẫn đến giá thành nguyên phụ liệu sản xuất tăng cao. Trong khi đó, các nhà phân phối bán lẻ lại gặp trở ngại khi không có đủ lượng người vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, cần ưu tiêm vaccine cho đội ngũ vận chuyển, đặc biệt là các tài xế, coi đây là “lực lượng tuyến đầu”, “con người xanh” trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vùng xanh nguyên liệu ở An Giang. |
Mặt khác, cần thiết lập “vùng xanh” cho doanh nghiệp, tương tự như “vùng xanh” tại khu dân cư, đồng thời bổ sung những điều kiện để doanh nghiệp có thể trụ vững trong “vùng xanh” đó. Trước hết, “vùng xanh” doanh nghiệp được hiểu là địa bàn hoạt động của doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, kinh doanh không có ca nhiễm nào.
Trong “vùng xanh”, doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ 5K và không bị ngăn cản lưu chuyển hàng hóa và con người trong phạm vi “vùng xanh”. Mỗi doanh nghiệp không bị cô lập mà được di chuyển tự do các yếu tố sản xuất, từ nguyên nhiên vật liệu, tài chính tín dụng... đến người lao động; cũng như tiêu thụ sản phẩm giữa các “vùng xanh” với nhau, kể cả “vùng xanh” dân cư thông qua các “hành lang xanh”. Chỉ có như vậy các “vùng xanh” sản xuất cũng như dân cư mới có ý nghĩa và phát huy được ưu điểm của “vùng xanh” so với “vùng đỏ”.
Bên cạnh đó, lưu chuyển hàng hóa giữa “vùng xanh” và “vùng đỏ” phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ để giữ vững “vùng xanh”. Dịch Covid-19 diễn biến khôn lường, nếu trong “vùng xanh” xuất hiện ca nhiễm cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, thay vì vội vàng biến cả “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Như vậy, mới giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh không làm tăng chi phí và ít tính khả thi như mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” hiện nay, tiếp tục trụ vững ngay cả khi dịch bệnh còn kéo dài.
Nếu thời gian giãn cách kéo dài quá lâu và không có các chính sách ứng phó kịp thời, cuộc khủng hoảng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tác động đến toàn bộ thành phần từ khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ (phía cung) đến khu vực tiêu dùng (phía cầu). Tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng đột biến, đặc biệt thất nghiệp tự nhiên, kéo theo sản lượng tiềm năng của nền kinh tế giảm. Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị suy thoái tạm thời.
Tuy nhiên, đây là cuộc suy thoái có chủ đích, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng ta thường nghe nói đến “mục tiêu kép” là tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, khi đại dịch diễn tiến khó lường, mục tiêu sức khỏe cộng đồng sẽ được lựa chọn. Năm 2020, chính phủ các nước trên thế giới thường chọn mục tiêu ngăn chặn đại dịch và để suy thoái xảy ra khi áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách.
Góc nhìn đó chỉ ra vị thế chủ động, chuẩn bị trước của chính phủ trong việc ban hành các chính sách đối phó. Các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được linh hoạt ban hành để chống lại suy thoái, đồng thời hướng đến việc hỗ trợ, giúp cả doanh nghiệp và người cao tuổi tham gia sản xuất vượt qua đại dịch.
Để tạo “vùng xanh”, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngoài các quy định, cơ chế tầm vĩ mô thì vai trò của chính quyền địa phương và ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Các cấp Hội NCT ở cơ sở cần quán triệt tốt tinh thần này để tham mưu cho chính quyền, phối hơp phối hợp với các đoàn thể và tổ chức cho hội viên, NCT thực hiện. Trước hết Hội NCT phải tham gia vào việc giữ vững vùng xanh, hạn chế, xóa bỏ dần vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ bằng các công việc thiết thực như tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, trực chốt kiểm soát, gương mẫu thực hiện và vận động ngời thân và Nhân dân cùng thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Mặt khác, căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng của mình, Hội NCT cần tham gia đóng góp ý kiến về các chủ trương phòng chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh tại địa phương phù hợp với tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại theo từng cấp độ dịch. Các cấp Hội NCT cũng cần vận động hội viên, NCT động viên và giúp đỡ con cháu là người lao động của các công ty, doanh nghiệp để họ có đủ điều kiện đi làm ngay khi các công ty, doanh nghiệp hoạt động trở lại.