Buồn vui ở nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Ngọc
Tin tức 31/07/2018 08:37
Trước ngày 27/7 năm nay, tôi cùng gia đình ông Nguyễn Văn Thu, ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, vào viếng liệt sĩ ở nghĩa trang xã Tam Ngọc. Ở đó khu A nghĩa trang có ngôi mộ số 58 của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân, quê ở Vĩnh Phúc, (ông Thu nhận là mộ của anh trai mình).
Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ của gia đình ông Thu vất vả kéo hơn 10 năm, mới tìm ra nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Ngọc, có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân, quê ở Vĩnh Phúc, hi sinh năm 1969.
Theo chính quyền xã Tam Ngọc, hơn 40 năm nay, khi liệt sĩ được quy tập vào nghĩa trang này, không có gia đình nào vào đây nhận mộ. Vì thông tin trên bia mộ còn thiếu, do đó sau khi nhận mộ, gia đình ông Thu được phép khai quật lấy hài cốt đi xét nghiệm ADN vào năm 2016. Tiếc là hài cốt liệt sĩ nằm dưới lòng đất (không có tiểu) nên nát vụn, không đủ điều kiện để làm xét nghiệm ADN.
Đến viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Ngọc, chúng tôi ghi nhận đây là một nghĩa trang đã được nâng cấp khang trang. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội xã Tam Ngọc cho biết: Sau giải phóng, các hài cốt liệt sĩ trên địa bàn xã được quy tập về nghĩa trang này. Năm 2013, nghĩa trang được nâng cấp khang trang, có 394 ngôi mộ, trong số này có tới 169 mộ chưa có tên, một số mộ có tên, nhưng không có địa chỉ đơn vị, quê quán, ngày hi sinh của liệt sĩ. Số mộ chưa có tên và mộ thiếu thông tin, chủ yếu của các liệt sĩ quê ở miền Bắc.
Ngoài công trình đài kỉ niệm chính, phía sau có phù điêu hình khối mô tả sự đoàn kết đấu tranh của Nhân dân địa phương. Nghĩa trang chia 2 khu, khu A có 190 mộ và khu B có 204 mộ, mỗi khu có một nhà bia ghi tên số mộ các liệt sĩ. Bốn phía quanh tường xây có các cây xanh và một số đài hoa trước và sau nghĩa trang. Sau khi nâng cấp, mộ liệt sĩ ở đây có kích thước lớn so với phần mộ liệt sĩ của nhiều địa phương, toàn bộ mộ và phần lát xung quanh đều bằng đá ganito nên rất đẹp, phần mộ nơi yên nghỉ của các liệt sĩ khang trang.
Đó là chuyện vui, làm ấm lòng các thân nhân liệt sĩ. Điều chưa vui, là hơn quá nửa mộ liệt sĩ ở đây là bia trắng và bia mộ liệt sĩ thiếu thông tin. Việc tìm mộ liệt sĩ thiếu thông tin và liệt sĩ trên hàng bia trắng, là cực kì nan giải và khó khăn, cho các gia đình thân nhân liệt sĩ. Tất cả các ngôi mộ ở nghĩa trang này, đều được chuyển về từ năm 1975, đến nay đã trên 40 năm, nhiều liệt sĩ hi sinh đã trên 50 năm.
Vào thời điểm sau giải phóng, việc quy tập mộ liệt sĩ ở một số địa phương thường gói hài cốt vào vải mộc chôn không có tiểu sành, do đó sau gần nửa thế kỉ, hài cốt liệt sĩ đã tan mún, không thể kiểm tra ADN. Từ đây việc tìm bổ sung thông tin họ tên liệt sĩ, quê quán, đơn vị, ngày tháng năm hi sinh càng khó khăn. Các trường hợp này chỉ có thể làm phương pháp loại trừ hồ sơ, tìm những căn cứ sát hợp để bổ sung thông tin và tìm theo các kênh thông tin khác.
Trường hợp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân đã và đang phải loại 17 hồ sơ liệt sĩ cùng tên, nhưng đã nhận được phần mộ, hoặc chiến đấu hi sinh ở các địa bàn khác, để xác nhận phần mộ này của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân, để bổ sung thông tin trên bia mộ, liệt sĩ quê ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Việc xác minh, bổ sung, chỉnh sửa thông tin cho phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân đang gần tới đích.
Nén hương của gia đình liệt sĩ dâng lên đài nghĩa trang, thắp trên phần mộ của liệt sĩ và sự linh ứng được kiểm chứng tại phần mộ liệt sĩ ngày 19/7/2018, là niềm tin cho gia đình ông Thu trên hành trình dò nối thông tin liệt sĩ, để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, đón hài cốt liệt sĩ về quê hương
Nghiêm Thị Hằng