Sẵn sàng cho Ngày hội lớn
Xã hội 22/05/2021 09:27
Tổng Thư kí - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đánh giá, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 có 3 điểm nhấn rõ nét. Trong đó, nổi bật nhất là công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc được thành lập, kiện toàn sớm. Công tác chuẩn bị bầu cử cũng được tiến hành sớm hơn so với các kì bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.
Danh sách nhân sự ứng cử lần này, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có sự thay đổi so với các nhiệm kì trước. Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 người; dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách là 200 người, trong đó đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương là 133 và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương là 67. Số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 - 10 đại biểu, tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Ngoài ra, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.
Tranh cổ động của Bùi Văn Minh Triết |
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu là người ngoài Ðảng từ 25 - 50 người trong tổng số 500 đại biểu. Tính đến thời điểm này, trong số 866 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV có 74 người ngoài Đảng.
Trong cơ cấu kết hợp chung của cả nước, ứng cử viên nữ có 393 người, chiếm 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất trong 4 kì bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây. Riêng với khối Trung ương đạt gần gấp đôi so với khóa XIV. Việc bảo đảm tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND không phải chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ nguồn nhân sự qua nhiều vòng thẩm định để cử tri lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng trong các cơ quan dân cử sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc nhất để hoạt động của Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 tiếp tục có những đổi mới, hoạt động hiệu quả, vì dân.
Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự được chuẩn bị kĩ lưỡng, với cấp độ cao nhất, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Hội đồng Bầu cử Quốc gia còn ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để việc triển khai các bước chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các địa phương đều có các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, bảo đảm an toàn. Cụ thể, Hà Nội có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và phương án riêng đối với các điểm cách li, phong tỏa. Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường. Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý cho tỉnh Bắc Ninh tổ chức bầu cử tại một số khu vực thuộc TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và hai huyện Tiên Du, Gia Bình vào ngày 22/5, sớm hơn một ngày so với ngày bỏ phiếu toàn quốc…
Tới thời điểm này, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 được chuẩn bị kĩ lưỡng, bài bản, bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, để Ngày Bầu cử 23/5/2021 diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, đúng trình tự pháp luật, nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân.