Một nẻo biên cương
Xã hội 23/12/2024 10:08
Trời hửng sáng, xe bon bon qua Hòa Bình hướng Sơn La tới Điên Biên Phủ. Khi còn cách Sơn La khoảng hơn một trăm cây số, xe khựng lại bởi sạt lở. Chờn chợn thấy những tảng đá bám hờ hững vào vách núi đẫm nước trực chờ lăn xuống. Nhờ lực lượng cứu hộ nhanh gạt đất, san đường, điều hành làn đi, chiều tới, xe lại cắn đuôi nhau vun vút. Đèo Pha Đin đã hạ độ cao, tuy là đỉnh đèo nhưng có được mặt bằng thoáng rộng. Xuống xe, lâng lâng: Chân đạp mây bay/ Tóc vờn gió núi.
Xe chui qua mây mù đổ đèo, chợt thấy tia nắng le lói, soi tỏ đỉnh núi, lưng đèo, rõ làn đi. Nhưng nắng quái chiều hôm không thắng được màn đêm ập xuống. Cứ nghĩ từ ngã ba Tuần Giáo về TP Điện Biên hẳn càng tối nào ngờ càng đi càng tỏ. Nhà nhà bám mặt đường đã sáng. Thị tứ càng vậy, san sát các nếp nhà. Tới thị trấn thì rực rỡ hẳn, đèn kết thành cờ Tổ quốc, cờ Đảng, đóa hoa ban. Đèn phân rõ 2 làn phân cách. Đèn khoe những nhà tầng bề thế, các nếp nhà sàn bê tông giả gỗ… Xe nối xe, người ken người. Chặng vào TP Điện Biên vẫn dư âm kỉ niệm 70 năm chiến thắng lẫy lừng.
Toàn cảnh Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. |
Chiến trương xưa, nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử nay thành nơi đô hội hòa bình, hội nhập và phát triển, hút khách thập phương, nhưng làm sao lãng quên những địa chỉ đỏ của một thời máu và hoa ấy.
Linh thiêng Đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ
Cảm xúc tự hào, lòng biết ơn trào dâng khi đặt chân lên bậc đầu tiên trong chuỗi 99 bậc đá với 3 lớp không gian có kiến trúc độc đáo, mỗi lớp không gian, mỗi chi tiết dù nhỏ nhất của công trình đều có ý nghĩa riêng, gửi gắm vào đó là những câu chuyện, sự tri ân sâu sắc khi tới Đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ. Đúng như những dòng chữ được khắc ngay từ cổng vào Đền thờ: “Ngôi đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ kí ức chiến tranh còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể cựu chiến binh, từ vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ bùn, máu và hoa”.
Đền thờ tọa lạc trên đồi F thuộc phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ) - ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch, được khởi công ngày 13/3/2021 - đúng kỉ niệm 67 năm ngày mở màn Chiến dịch, ngày 8/5/2022 khánh thành.
Bức tranh tròn - kì tích của nền mĩ thuật Việt Nam
Bức tranh tròn (panorama) “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, với tổng diện tích 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật trưng bày hiện vật, gồm 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận” với những đoàn xe đạp thồ, hàng trăm chiến sĩ kéo pháo…; “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch; “Cuộc đối đầu lịch sử” với những hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà…., kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1, hiệu lệnh tổng công kích; “Khúc khải hoàn” khi lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.
Được biết, trên thế giới hiện có hai bức panorama nổi tiếng của F.Roubaud, là: “Trận chiến Borodino” ở Bảo tàng ở Moscow (Liên bang Nga) và bức “Sevastopol panorama” tại Bảo tàng ở Sevastopol (Ukraine).
Cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng giúp người dân dọn dẹp đường bản bảo vệ môi trường |
Thắp sáng truyền thống
Cũng phải lặn lội mới tới được đồn Biên phòng Ma Lu Thàng bởi vẫn còn di chứng của những trận bão lũ vừa qua. Mái taluy rình rập sạt lở. Cung đường có đoạn vừa lép nhép lại hẹp, xe rón rén. Lòng suối trơ cạn, bề bộn gốc cây, lổn nhổn đất đá. Những công trường tu bổ, khôi phục các công trình bị hư hại ngổn ngang. Nhưng bù lại là sự hối hả của những người thợ, các cỗ máy cần mẫn san ủi và nhất là sự hân hoan của bà con vùng tái định cư…..
Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng bảo vệ đoạn biên giới dài 13,934km thuộc xã Ma Li Pho, với 3 cột mốc và 1 cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) - Kim Thuỷ Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Các anh là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận đối ngoại theo đường lối “Ngoại giao Cây tre Việt Nam”, luôn tâm niệm “biến đại sự thành trung sự, biến trung sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”. Môi trường hòa bình được giữ gìn từ sớm, từ xa bằng bản lĩnh được trui rèn trên biên thùy Tổ quốc.
Là “Đội quân công tác”, cán bộ, chiến sĩ giữ gìn, lan tỏa phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ không quản ngày đêm, mưa nắng bám bản, cùng Nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Mỗi người dân là cột mốc sống” trên biên cương. Các anh hướng dẫn bà con đổi mới từ nếp nghĩ tới cách trồng tỉa, chăn nuôi… để nhà nhà yên vui, người người no đủ, với điểm nhấn là các Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”… Trong những trận thiên tai vừa qua, Đồn tích cực cùng lực lượng chức năng hỗ trợ bà con di chuyển tài sản, con người đến vùng an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn.“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Hướng tới tương lai
Dẫu còn khó khăn, nhưng lời tiên đoán của Bác Hồ sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đang hiện thực trên miền biên cương Tây Bắc. Lai Châu là như thế.
Lai Châu có đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; hiện có 1 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, 1 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và 6 lối mở, việc phát triển biên mậu là khả thi. Khí hậu trung tính, ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Dồi dào quỹ đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây dược liệu... Đất rừng cũng lớn với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, điều tiết nguồn nước cho các Nhà máy thủy điện trên sông Đà… Dưới lòng đất, tài nguyên phong phú hấp dẫn các nhà đầu tư.
Lai Châu có nền văn hóa giàu bản sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tiềm năng du lịch bằng các đặc sản lễ hội, ẩm thực và thủ công truyền thống. Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điểm sáng trong bức tranh đó là TP Lai Châu. Vào những năm 1960, địa bàn thành phố hiện nay là các khu dân cư tập trung tại nông trường chè Tam Đường, thuộc 3 xã: Nậm Loỏng, Sùng Phài và Tam Đường của huyện Phong Thổ. Song chỉ 21 năm, từ khi trở thành tỉnh lị của Lai Châu mới, đã có vóc dáng của đô thị hiện đại. Đường dẫn vào thành phố hai chiều, đèn hoa càng rực rỡ về đêm. Đường nội đô rộng, hè thoáng. Cây xanh thẳng hàng, nghiêm lối. Nhà cao tầng, kiến trức tân kì. Quảng trưòng bề thế, phấp phới cờ đỏ vàng sao, tòa hành chính uy nghi… Tất cả như cùng cả nước tiến vào kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.