Quyết định nhiều vấn đề quan trọng, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm đời sống Nhân dân
Tin tức - Sự kiện 22/10/2024 09:06
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kì họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, dự kiến tổng thời gian làm việc của Kì họp là 29,5 ngày. Kì họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.
Tại Kì họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật đồng thời xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật. Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão), ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lí đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đặc biệt, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XV;Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kì họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kì trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 85% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kì... Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu một số kết quả nổi bật về nhận thức, hành động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội; các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững (tỉ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%); xây dựng nhà ở xã hội, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3... Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia. Giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lí chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới". Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân; tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh...
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ. Để tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định…
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực.
Cuối giờ chiều, Quốc hội họp về công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kì 2021-2026 đối với ông Lương Cường.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kì 2021 - 2026 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả: với 440/440 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,67%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kì 2021 - 2026 đối với ông Lương Cường...
Ngay sau đó, Tân Chủ tịch nước tuyên thệ.
Sau Lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Lương Cường có bài phát biểu trước Quốc hội…