Quận 7, TP Hồ Chí Minh: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin khôi phục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn từ ngày 16/9/2021
Tin tức 16/09/2021 07:50
Theo đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bao gồm 8 bước. Đầu tiên, quận sẽ lựa chọn đối tượng ưu tiên thực hiện thử nghiệm gồm các hộ kinh doanh, Hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực như; kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi; siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc, phòng khám, các hoạt động trong chuỗi sản xuất dược phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành y tế; sản xuất lương thực, thực phẩm; cửa hàng xăng dầu, gas; xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng; hoạt động thương mại điện tử dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, toà nhà, chung cư.... cung cấp thiết bị, vật liệu cho các hoạt động này.
Các ngành nghề được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. |
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp dịch vụ như giao hàng, vận tải, logistics, dịch vụ giao hàng của hệ thống phân phối; tài chính, kho bạc; viễn thông, báo chí, dịch vụ công nghệ thông tin; điện lực; dịch vụ bưu chính; dịch vụ công ích, dịch vụ tiện ích công, dịch vụ vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ; dịch vụ công chứng; các dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và cung ứng nguyên vật liệu phục vụ hoạt động này.
Quận 7 là một trong 3 quận, huyện thử nghiệm khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. |
Tiếp theo, quận sẽ chọn ra 150 doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh có các loại hình kinh doanh ở bước 1 đang có trụ sở, địa điểm kinh doanh trong các vùng xanh, đã được Ủy ban nhân dân quận 7 đánh giá phân loại để thẩm định điều kiện được phép hoạt động gồm; đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”; đã được tiêm 2 mũi vắc xin; đảm bảo 5K; có phương án phòng chống dịch đã được thẩm định và được xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Sau khi đã xác định các cơ sở được phép hoạt động, quận sẽ rà soát, xác định số lượng lực lượng đi mua hàng và vận chuyển hàng gồm: Lực lượng tham gia chống dịch từ quận đến phường; lực lượng cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn quận; đại diện các đơn vị được phép hoạt động sản xuất kinh doanh; lực lượng đi chợ hộ; lực lượng shipper mua và vận chuyển hàng; lực lượng tham gia vận tải hàng hóa và đại diện hộ dân ở vùng xanh.
Tiếp theo đó, quận sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các lực lượng được tham gia sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa bằng mã QR code và biển dán “hộ kinh doanh xanh”, “Doanh nghiệp xanh” để nhận diện các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện tham gia.
Quận cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cá nhân hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm thông qua các hình thức như phát tờ rơi đến từng hộ kinh doanh, doanh nghiệp; tuyên truyền trên Website quận 7, trang tin Zalo quận 7, trang fanpage Nam Sài Gòn… để đảm bảo đồng bộ khi thực hiện.
Nếu phát sinh rủi ro khi có trường hợp có F0, các cơ sở phải dừng mọi hoạt động, tiến hành khai báo y tế tại các Trạm y tế phường. Trên cơ sở đó, trạm y tế phường sẽ thực hiện xử lý theo quy trình của Bộ y tế, Sở y tế TP Hồ Chí Minh.
Người dân đi lại như thế nào?
Mã QR được cấp cho người dân quận 7, Củ Chi, Cần Giờ qua ứng dụng Y tế HCM để kiểm soát việc đi lại, tham gia hoạt động sản xuất an toàn từ ngày 16/9.
Theo đó, người dân ở những khu vực này được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Người không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ. Mã QR sẽ có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.
Người dân quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ khai báo trên ứng dụng Y tế HCM. |
Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc ở địa chỉ www.khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường. Xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát, trụ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.
Đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ lập và duyệt danh sách lao động được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo số lượng và điều kiện của chính quyền các quận huyện. Doanh nghiệp kiểm tra người ra vào tại khu vực cần kiểm soát; kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ khi phát hiện các cảnh báo từ hệ thống.
Ứng dụng "Y tế HCM" do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí minh phối hợp phát triển trên nguyên tắc liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP). Nền tảng sử dụng mã QR cá nhân thống nhất quốc gia, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID.