Gia đình người cao tuổi khiếu nại kéo dài vì đền bù “chia khúc”
Tin pháp luật 08/11/2023 16:55
Đất liền nhau, giá bồi thường chênh hơn 8,4 lần(!?)
“Đơn kêu cứu khẩn cấp” (kèm các tài liệu) của cụ Nguyễn Thị Mười cho biết: Gia đình cụ có 17 thành viên, 3 sổ hộ khẩu, sinh sống trên phần đất hai mặt tiền đường thuộc phường Tân Phong, quận 7. Năm 1997, gia đình cụ bị thu hồi 13.574m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận thực hiện Dự án khu dân cư ven sông phường Tân Phong để kinh doạnh ; và áp giá bồi thường chỉ 19.000 đồng/m2. Hiện nay, giá quyền sử dụng đất tại dự án này rao bán hơn 100 triệu đồng/m2. Cụ Cao Hoài Đức (chồng cụ Mười) là cựu chiến binh, hơn 50 tuổi Đảng, gương mẫu chấp hành đồng thời quán triệt cả nhà tuân thủ việc giao đất cho chủ đầu tư.
Sau khi bị thu hồi 13.574m2, gia đình cụ Mười còn lại 2.646,3m2 toạ lạc số 53 (số cũ: 6/3) đường Lê Văn Lương, đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Do vướng vào quy hoạch Dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa (nằm trong tổng thể Dự án khu dân cư ven sông) nên UBND quận 7 cho “treo” suốt gần 30 năm qua.
Cuối năm 2022, gia đình cụ Mười rất vui mừng khi nhận được Quyết định số: 7888/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 của UBND quận 7, thu hồi 232,9m2 đất để thực hiện Dự án xây cầu Rạch Đỉa. Niềm vui chỉ thoáng qua, sau đó là nỗi đau khổ, bức xúc kéo dài.
Cụ Nguyễn Thị Mười đứng trước phần đất cất căn nhà 36m2 từ năm 1992. |
Theo “Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư” số: 5260/PABT-HĐBT được ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7 (đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư Dự án) kí ngày 16/12/2022, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho cụ Mười là 1,65 tỉ đồng. Phương án này được Chủ tịch UBND quận Hoàng Minh Tuấn Anh kí phê duyệt trong cùng ngày 16/12, bằng Quyết định số: 7887/QĐ-UBND.
Cụ Mười bức xúc: Toàn bộ 232,9m2 đất mặt tiền đường Lê Văn Lương, gần khu Phú Mỹ Hưng sầm uất, vậy mà Chủ tịch UBND quận 7 chỉ duyệt bồi thường 1,65 tỉ đồng. Số tiền này chỉ mua được một nửa căn chung cư loại thường ở quận 7!
Ông Cao Thanh Bình (con trai cụ Mười) lí giải: Sở dĩ số tiền bồi thường quá thấp do Chủ tịch UBND quận 7 xác định đất thu hồi là loại đất nông nghiệp, áp giá bồi thường 8,35 triệu đồng/m2 và đất rạch (46,2m2) không bồi thường chỉ hỗ trợ 450.000 đồng/m2. Trong khi các khu đất liền kề được Chủ tịch UBND quận 7 duyệt là “đất ở”, lập tức tăng lên 70,64 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 8,4 lần!
Ngày 18/10/2022, Chủ tịch UBND phường Tân Phong kí Văn bản số: 6098/GXN-UBND, xác định: Nhà, đất của cụ Mười ở ổn định trước năm 1975 đến nay; xây dựng, sửa chữa lại năm 2000, đến năm 2009 tiếp tục sửa chữa như hiện nay. Phần đất rạch do cụ Cao Hoài Đức san lấp năm 1984 sử dụng đến nay. Toàn bộ 232,9m2 là đất “thổ tập trung”.
Ngày 2/11/2022, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 kí Văn bản số: 4282/UBND-TNMT, xác định “loại đất” đối với phần diện tích 232,9m2 như sau:
Có 93m2 hiện trạng đất trống. Theo xác nhận của UBND phường Tân Phong sử dụng từ năm 1975, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp theo Khoản 5, Điều 20 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. UBND quận 7 xác nhận là đất nông nghiệp. Có 93,7m2 hiện trạng nhà tường gạch, vách tôn, mái tôn và lá, sử dụng để ở. UBND phường Tân Phong xác nhận xây dựng năm 2000 và 2009 sau thời điểm phê duyệt lộ giới (chỉ giới “đường đỏ”) đợt 2 các tuyến đường TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số: 4963/QĐ-UB-QLĐT ngày 30/8/1999 của UBND thành phố, chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo Điều 20, Điều 22 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP. Nếu nhà xây trước ngày 30/8/1999 bất kể có phép hay trái phép đều được bồi thường loại đất ở với giá 70,649 triệu đồng/m2. Còn lại 46,2m2 hiện trạng là căn nhà vách tôn, mái lá, sử dụng để ở, có nguồn gốc “đất rạch”.
Từ Văn bản số: 4282/UBND-TNMT, Phương án số 5260/PABT-HĐBT thể hiện “chia” 232,9m2 đất làm “3 khúc” để bồi thường. Cụ thể: Khúc 1 với 93m2 đất được công nhận, bồi thường theo giá đất nông nghiệp 8,35 triệu đồng/m2. Khúc 2 với 93,7m2 được hỗ trợ 8,35 triệu đồng/m2. Khúc 3 với 46,2m2 được hỗ trợ 450.000 đồng/m2.
Về tài sản trên đất: Có 36,79m2 nhà được công nhận với số tiền bồi thường 73,24 triệu đồng. Phần nhà 15,2m2 (mái tôn, vách tôn, cột sắt, nền xi măng) và phần hiên nhà 75,1m2 (mái tôn, cột sắt, nền xi măng) và 11m2 (sân xi măng) xây 2009 nên không được công nhận, không bồi thường và hỗ trợ.
Tại Văn bản số: 3577/VPĐK-LT ngày 4/5/2023, Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) xác định: 232,9m2 là đất “thổ tập trung”.
Cụ Mười buồn bã nói: “Chỉ một diện tích đất duy nhất chạy dọc mặt tiền đường Lê Văn Lương dài gần 39m, nhưng ông Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND quận 7 đã chia thành “3 khúc”. Trong đó “khúc 1” và “khúc 2” được bồi thường và hỗ trợ giống nhau 8,35 triệu đồng/m2; khúc 3 hạ xuống chỉ còn 450.000 đồng/m2. Trong khi đó, phần đất 232,9m2 này giá thị trường hơn 100 triệu đồng/m2, tính ra hơn 20 tỉ đồng”.
Khu đất mặt tiền của gia đình cụ Mười được Chủ tịch UBND quận 7 áp giá bồi thường đất nông nghiệp. |
Trong “Đơn kêu cứu khẩn cấp”, cụ Mười chỉ ra nhiều điểm bất thường, bất công đối với gia đình cụ. Toàn bộ 232,9m2 đất được các cơ quan chức năng từ phường đến thành phố đều xác định là đất “thổ tập trung”, là thể hiện thoả mãn bồi thường “đất ở” theo quy định của pháp luật về đất đai. Trên thực tế, gia đình cụ Mười sử dụng khu đất vào mục đích để ở suốt hơn nửa thế kỉ qua. Đây là cơ sở để cụ Mười không đồng ý việc chia khu đất thành “3 khúc” với 3 loại đất để duyệt bồi thường và hỗ trợ nhưng không dẫn chiếu bất kì điều luật nào quy định chuyển từ loại đất “thổ tập trung” sang loại đất nông nghiệp để bồi thường? Chưa hết, UBND quận 7 viện dẫn Quyết định số: 4963/QĐ-UB-QLĐT ngày 30/8/1999 của TP Hồ Chí Minh để làm mốc thời gian xác định loại đất để bồi thường có bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật?
Từ “3 khúc” thành “4 khúc”
Đưa ra bằng chứng, ông Cao Thanh Bình (con cụ Nguyễn Thị Mười) xác định: Ngoài những căn nhà xây từ năm 2000 trở về sau, trên phần đất thu hồi còn có căn nhà 36m2 xây trước thời điểm 30/8/1999 thể hiện rõ trong Tờ “đăng kí nhà đất” do ông Cao Văn Chậm (anh ông Bình) kê khai ngày 6/8/1999, được UBND phường Tân Phong xác nhận. Thế nhưng, UBND quận 7 không xem xét, vẫn cho là đất nông nghiệp.
Và phần đất 46,2m2 có nguồn gốc là một đoạn của rạch cùng, len lỏi trong khu dân cư, gia đình cụ Mười sử dụng từ năm 1945. Từ phường đến quận đều xác nhận, cụ Cao Hoài Đức (chồng cụ Mười) san lấp năm 1984, sử dụng làm đất ở liên tục từ đó đến nay đã 40 năm. Thế nhưng cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận 7 vẫn xác định là “đất rạch” chỉ hỗ trợ 450.000 đồng/m2, không đủ trả tiền công san lấp!
Phần đất 46,2m2 mặt tiền Lê Văn Lương chỉ hỗ trợ 450.000 đồng/m2 |
Liên quan đến tái định cư, gia đình cụ Mười cho rằng, với nhiều thế hệ, đông nhân khẩu nhưng không được xét hỗ trợ tái định cư là chưa thực hiện đúng chính sách và chủ trương của Nhà nước, cũng như quy định pháp luật về tái định cư khi thu hồi đất.
Từ đơn kêu cứu của cụ Mười và dư luận, ngày 16/6/2023, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 7, kiêm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư Dự án cùng đại diện các cơ quan chức năng của quận 7 và Chủ tịch UBND phường Tân Phong đến nhà cụ Mười khảo sát thực trạng, xem xét các giấy tờ pháp lí về nhà, đất liên quan đến phần đất bị thu hồi. Ông Thành cam kết giải quyết việc đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho gia đình cụ Mười.
Chiều 22/6/2023, Tổ công tác thuộc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 7 đến nhà cụ Mười, thông tin: Theo Sổ đăng kí ruộng đất (Tài liệu 299/TTg), phần diện tích đất giải tỏa của cụ Mười có 31,2m2 (thuộc khúc 93m2) đủ điều kiện bồi thường đất ở.
Ngày 29/6/2023, Chủ tịch UBND quận 7 kí Quyết định số: 2037/QĐ-UBND “điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định số: 7887/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 của UBND quận 7 về phê duyệt phương án BT- HT-TĐC khi Nhà nước thu hồi đất của cụ Nguyễn Thị Mười để thực hiện Dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa”.
Quyết định số 2037/QĐ-UBND kèm Phương án BT- HT-TĐC mới số 3488/PABT-HĐBT ngày 29/6/2023 (điều chỉnh, bổ sung) do ông Lê Văn Thành kí ngày 29/6/2023. Theo đó, phần đất bị thu hồi được chia làm “4 khúc”. Cụ thể:
Khúc 1: 31,2m2, thửa 520, UBND quận 7 xác nhận đất ở, áp giá bồi thường 70,649 triệu đồng/m2.
Khúc 2: 82,5m2, thửa 508, 509, trên đất có nhà, UBND quận 7 xác nhận đất nông nghiệp, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp, áp giá bồi thường 8,35 triệu đồng/m2.
Khúc 3: 73m2, thửa 508, 509 hiện trạng đất trống, UBND quận 7 xác nhận đất nông nghiệp, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp, bồi thường giá 8,35 triệu đồng/m2.
Khúc 4: 46,2m2 là đất rạch, hỗ trợ 450.000 đồng/m2.
Về tài sản trên đất: 36,79m2 nhà, được nhận với số tiền bồi thường 45,77 triệu đồng.
Tổng số tiền gia đình cụ Mười được bồi thường, hỗ trợ là 3,569 tỉ đồng.
Văn bản số 3577/VPĐK-LT ngày 04/5/2023 của Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) xác định 232,9m2 là đất “thổ tập trung”. |
Cụ Mười trình bày: Từ 1,653 tỉ đồng, sau khi dư luận lên tiếng, ông Phó Chủ tịch Lê Văn Thành xuống tận nơi xem xét, số tiền bồi thường lập tức thay đổi lên 3,569 tỉ đồng. Số tiền bồi thường được điều chỉnh tăng gần hơn 2 lần, nhưng vẫn còn chênh lệch quá xa so với phần đất 232,9m2 bị thu hồi, nằm mặt tiền đường Lê Văn Lương trị giá hơn 20 tỉ đồng.
Ngày 15/8/2023, cụ Mười có đơn khiếu nại gửi đến UBND quận 7, cho rằng Quyết định số: 2037/QĐ-UBND áp giá bồi thường thể hiện không phù hợp quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người bị thu hồi đất là gia đình của cụ.
Ngày 21/8/2023, UBND quận 7 mời cụ Mười làm việc, để xác nhận nội dung đơn khiếu nại cùng với các tài liệu đính kèm. Ngày 28/8/2023, UBND quận 7 tiếp tục mời cụ Mười làm việc. Người đại diện của cụ Mười chứng minh phần diện tích 82,5m2 và 73m2 (155,5m2) đủ điều kiện để được bồi thường loại “đất ở” nên yêu cầu UBND quận 7 bồi thường đất ở.
Ngày 11/10/2023, Đoàn công tác UBND quận 7, trong đó có ông Nguyễn Đoàn Chí Hiếu, Phó Chánh Thanh tra quận 7 xuống gia đình cụ Mười làm việc, xem hiện trạng và quá trình tạo lập, sử dụng nhà đất.
Ngày 20/10/2023, UBND quận 7 tổ chức đối thoại với gia đình cụ Mười do Phó Chủ tịch Lê Văn Thành chủ trì. Tham dự có đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng; Phòng Tư pháp, UBND phường Tân Phong,... Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đoàn Chí Hiếu, Phó Chánh Thanh tra quận 7 đọc dự thảo bác đơn của cụ Mười khiếu nại đối với Quyết định số: 2037/QĐ-UBND. Ông Hiếu cho rằng, không có cơ sở xác định thời điểm xây dựng căn nhà 36m2 mà ông Cao Văn Chậm kê khai. Theo giấy thỏa thuận xác định ranh giới nhà đất ngày 13/7/1999, căn nhà này không tiếp giáp đường Lê Văn Lương và sát vách nhà ông Nguyễn Văn Dồi. Hiện tại, trong khuôn viên khu đất có 10 căn nhà, gia đình cụ Mười “chỉ đại” một căn nào đó xây dựng trước năm 1999.
Tờ "đăng ký nhà đất" do ông Cao Văn Chậm kê khai ngày 6/8/1999, thể hiện rõ ràng căn nhà 36m2 đã được UBND phường Tân Phong xác nhận |
Qua nghe đọc dự thảo, người đại diện của cụ Mười không đồng ý việc UBND quận 7 giữ nguyên việc áp giá bồi thường loại đất nông nghiệp đối với phần đất 155,5m2 nói trên. Nội dung khiếu nại đã được trình bày rõ trong đơn kèm các giấy tờ liên quan và tại các buổi làm việc với Thanh tra quận 7 ngày 21 và ngày 28/8/2023.
Đại diện các cơ quan dự họp thống nhất với nội dung xác minh của Thanh tra quận 7. Phó Chủ tịch Lê Văn Thành giao Thanh tra quận 7 tổng hợp, báo cáo tham mưu Chủ tịch UBND quận 7 ban hành Quyết định giải quyết (lần đầu) đối với khiếu nại của cụ Mười.
Cụ Mười và gia đình rất bất ngờ trước dự thảo kết quả xác minh của Phó Chánh Thanh tra quận 7 Nguyễn Đoàn Chí Hiếu về khiếu nại chính đáng của gia đình cụ. Càng bất ngờ hơn khi ông Hiếu lại buông lời có dấu hiệu thể hiện xúc phạm nghiêm trọng đến cụ và gia đình!
Cụ bà 85 tuổi bức xúc: “Chồng tôi là cựu chiến binh, khi còn sống rất gương mẫu. Gia đình tôi luôn tuân thủ, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước đây bị thu hồi 13.574m2 để làm Dự án khu dân cư ven sông, gia đình chấp nhận giao đất dù giá bồi thường chỉ 19.000 đồng/m2. Nay, UBND quận 7 tiếp tục thu hồi 232,9m2, dù đang khiếu nại, chưa nhận tiền bồi thường, nhưng gia đình đã bàn giao đất để dự án được triển khai, cầu Rạch Đỉa mới sớm hoàn thành, giúp giao thông thuận tiện. Vì lợi ích chung, gia đình tôi chấp nhận hi sinh, chịu thiệt thòi, không vì chút lợi cá nhân mà làm “bậy”, mà Phó Chánh Thanh tra quận, Nguyễn Đoàn Chí Hiếu quy kết là “chỉ đại” 1 trong 10 căn nhà xây dựng năm 1999. Đây là quy kết không có căn cứ, thể hiện xúc phạm nghiêm trọng đến tôi và gia đình cũng như vong linh chồng tôi, cả đời theo cách mạng!”.
Cần nói rõ thêm, trong Phương án số: 3488/PABT-HĐBT ngày 29/6/2023, Chủ tịch UBND quận 7 cũng bị nhầm lẫn khi xác định phần diện tích 26,7m2 của gia đình cụ Mười. Trong khi, thửa đất này của gia đình cụ Phạm Thị Lực quản lí sử dụng, không liên quan đến gia đình cụ Nguyễn Thị Mười.
Tài liệu, chứng cứ rõ ràng
Ông Cao Thanh Bình (con cụ Mười) và các Luật sư trợ giúp pháp lí, chứng minh phần đất 155,5m2 đủ điều kiện để bồi thường loại “đất ở”. 46,2m2 đất rạch cũng cần được xem xét chiếu cố bồi thường “đất ở”, hay chí ít cũng là loại đất nông nghiệp với giá 8,35 triệu đồng/m2. Cụ thể:
Thứ nhất, về hiện trạng sử dụng đất: Phần đất 155,5m2 được quận 7 chia làm hai khúc (khúc 2 với 82,5m2 và khúc 3 với 73m2) thuộc thửa 509, được các cơ quan từ phường đến quận rồi thành phố đều xác định là “đất thổ tập trung” từ năm 1995. Việc xác định này thể hiện rõ bằng Văn bản số: 6098/GXN-UBND ngày 18/10/2022 do Chủ tịch UBND phường Tân Phong kí; Văn bản số: 4282/UBND-TNMT ngày 2/11/2022 của UBND quận 7 do chính Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh kí; Văn bản số 3577/VPĐK-LT ngày 4/5/2023 của Văn phòng Đăng kí đất đai TP Hồ Chí Minh...
Theo quy hoạch, Dự án khu dân cư ven sông, thể hiện khu đất của gia đình cụ Mười được quy hoạch là đất ở. Sau khi bị thu hồi 13.574m2, phần diện tích đất còn lại của gia đình cụ Mười đủ kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Nhưng do bị vướng quy hoạch “treo” kéo dài suốt hàng chục năm nên gia đình chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Bản đồ số 2004 thể hiện căn nhà 36m2 của gia đình cụ Mười nằm sát mặt tiền đường Lê Văn Lương. |
Thực tế, gia đình cụ Mười sử dụng khu đất để ở, kinh doanh ăn uống, đại lí gas, bãi xe, bãi cát... suốt hơn nửa thế kỉ qua, hoàn toàn đủ điều kiện để bồi thường đất ở.
Thứ hai, về hiện trạng nhà trên đất: Hiện tại, trên khu đất có 10 căn nhà. Tuy nhiên, trước thời điểm 30/8/1999, hiện trạng khu đất chỉ có 4 căn nhà được gia đình kê khai rõ trong Tờ “đăng kí nhà đất”, cụ thể như sau:
Tờ “đăng kí nhà đất” do cụ Cao Hoài Đức kê khai: Đất sử dụng là 1.386m2, trên đất có 1 căn nhà lớn 101m2 và 1 căn nhà nhỏ 19,8m2. Do căn nhà 19,8m2 bị xuống cấp nên gia đình tháo dỡ để mở rộng bãi xe năm 2001.
Tờ “đăng kí nhà đất” do bà Cao Thị Ngọc Yến (con cụ Đức và cụ Mười) kê khai: Đất sử dụng 693m2, trên đất có căn nhà 127m2, được tháo dỡ năm 2004 để làm bãi cát.
Tờ “đăng kí nhà đất” do ông Văn Chậm (con cụ Đức và cụ Mười) kê khai: Đất sử dụng 658m2, trên đất có căn nhà 36m2 (6m x 6m) kết cấu sàn gạch, cột cây, vách lá, mái tôn. Nhà này được cất năm 1992, nằm sát mặt tiền đường Lê Văn Lương, gia đình cụ Mười sử dụng để kinh doanh ăn uống, bán nước giải khát, bà con lân cận đều biết rõ. Thực tế, chiều ngang căn nhà là 4,2m, có 2 mái hiên ở 2 bên hông để che mưa nắng (mỗi mái 0,9m), ông Chậm kê khai luôn thành 6m. Quá trình sử dụng, gia đình có sữa chữa, cơi nới nhưng mái hiên hiện vẫn còn như lúc ban đầu.
Tờ “đăng kí nhà đất” do ông Cao Văn Chậm kê khai ngày 6/8/1999, được UBND phường Tân Phong xác nhận. Ngoài Tờ “đăng kí nhà đất” còn một tài liệu vô cùng quan trọng khác chính là Bản đồ số địa chính TP Hồ Chí Minh (thường gọi “Bản đồ số 2004”). Bản đồ số thể hiện rõ trên khu đất có căn nhà (4,2m x 6m), nằm sát mặt tiền Lê Văn Lương, giáp ranh nhà của ông Nguyễn Văn Dồi.
Bản đồ số 2004 còn thể hiện, liền kề căn nhà 36m2 có căn nhà do gia đình xây dựng năm 2000, kết cấu sàn gạch bông, cột bê tông, tường gạch, mái tôn. Gia đình sử dụng căn nhà để làm cửa hàng kinh doanh gas được UBND quận 7 cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh ngày 15/8/2001 (số 41G8010464). Căn nhà này được xây lùi vào trong (cách đường Lê Văn Lương hơn 3m), tạo khoảng trống mặt tiền có gắn mái che, làm nơi để xe, bình gas…
Thứ ba, về căn cứ pháp lí: Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ tại Khoản 1, Điều 103: “Đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở”.
Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng quy định rõ tại Khoản 1, Điều 24 “xác định diện tích đất ở”. Theo đó, đất vườn, ao quy định tại Điều 103 Luật Đất đai áp dụng đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:
a) Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;
b) Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng có Thông tư số: 31/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 quy định tại mục 4.2, Điều 4: “Đất ở (khuôn viên ở) là khu đất để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình (bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm) và các không gian phụ trợ khác (khu sản xuất, sân vườn, chuồng trại, ao, v.v.) trong cùng một thửa đất của một hộ gia đình hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật tại các điểm dân cư nông thôn”.
Cụ Nguyễn Thị Mười bức xúc: “Gia đình trình bày hoàn toàn đúng sự thật. Căn nhà 36m2 được cất năm 1992 để kinh doanh, nằm sát mặt tiền đường Lê Văn Lương, bà con xung quanh ai cũng biết. Con tôi đã kê khai trong Tờ “đăng kí nhà đất” được UBND phường Tân Phong xác nhận rõ ràng. Bản đồ số cũng xác định chính xác vị trí căn nhà sát mặt đường, giáp nhà ông Nguyễn Văn Dồi. Gia đình tôi chỉ đúng vị trí căn nhà không hề “chỉ đại” như ông Phó Chánh Thanh tra quận 7 Nguyễn Đoàn Chí Hiếu quy chụp. Gia đình thừa nhận có sơ sót khi vẽ tay sơ đồ căn nhà dẫn đến việc xác định ranh giới đất thiếu chính xác. Tuy nhiên, nếu ông Phó Chánh Thanh tra quận 7 Nguyễn Đoàn Chí Hiếu cùng các cán bộ của các cơ quan chức năng của quận 7 và phường Tân Phong làm việc bằng trách nhiệm, khách quan, thì chỉ cần thẩm tra, xác minh đối chiếu tài liệu, chứng cứ, cụ thể như Tờ “đăng kí nhà đất”, Bản đồ số 2004, Phiếu công khai thông tin hiện trạng nhà, đất (của Xí nghiệp Đo đạc địa hình Miền Nam), v.v. cũng như tìm hiểu thực tế tại địa phương thì không thể nào ra dự thảo giải quyết, bác đơn khiếu nại chính đáng của gia đình tôi. Vì công lí và lẽ phải, gia đình tôi quyết đi đến cùng sự thật, kể cả khởi kiện ra Toà án nhờ phân xử…”.
Rất mong UBND quận 7 và các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, giải quyết đúng pháp luật các kiến nghị của cụ Nguyễn Thị Mười.
Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá thiệt hại và nhanh chóng, kịp thời bồi thường Liên quan vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023, tại số nhà 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình gây thiệt hại nặng ... |
Nhịp cầu bạn đọc Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi, ở 141 Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố 2, phường ... |
Cần nhất quán về bồi thường giá đất Cần nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền ... |