Những tấm bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội
Xã hội 10/10/2022 11:15
Người sáng lập dựng bia là vị vua anh minh, thi sĩ Lê Thánh Tông (1442-1497) quan tâm nhiều đến tổ chức thi cử, trọng dụng nhân tài. Các tấm bia được chạm khắc hoa văn tinh xảo, trên phiến đá màu xanh, đặt trên lưng rùa, một trong tứ linh, thể hiện sự tôn trọng hiền tài. Tấm bia đầu tiên được dựng vào năm 1084 và tấm bia cuối cùng, dựng năm 1779; ghi danh tên tuổi những nhà bác học, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học như: Lê Văn Hưu, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Nhậm,…
Trên những tấm bia, các nhà sử học có thể tìm thấy quê quán, danh tính của những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc; các nhà địa lí tra cứu địa danh cũ liên quan tới nơi chốn hiện tại; các nhà triết học tìm chứng cứ về nho học Việt Nam qua các thời kì. Và các nhà nghiên cứu mĩ thuật, các nghệ sĩ tạo hình tìm ra tinh hoa nghệ thuật Việt Nam…
Nội dung văn bia có nhiều thông tin đa dạng, sâu sắc. Đó là những lời khuyên răn, những việc nên làm; thực chất là những bài học dạy làm người, làm quan đương thời, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xin dẫn đôi điều ở một số bia:
Bia khoa Giáp Tuất - 1514:
- Phải coi đức là chính, tài là sau: “Trước lo phận sự, sau mới đến tài năng, trước phải trau dồi khí tiết, sau mới tới tài nghệ, trước phải rèn đức hạnh, sau mới tới văn chương”.
Bia khoa Quý Mùi - 1703:
- “Phải giữ lòng trong sáng, không bị vật đục ám mờ, dùi mài danh tiết, không để bụi nhơ phủ bám”.
Bia Canh Dần - 1710:
- “Ra làm quan thì lấy thanh liêm, siêng năng, thận trọng làm đầu”.
Những điều cần chống ghi trong văn bia.
Bia Mậu Tuất - 1478:
- Chống vun vén cá nhân, mưu lợi ích riêng, lợi nhà, hại nước: Mượn khoa mục để cầu sự ấm no, mượn khoa danh để làm lối tắt cho đường sĩ hoạn; chỉ lo cho riêng mình, không nghĩ tới việc nước.
Bia khoa Tân Mùi - 1511:
- Chống giả dối, xảo quyệt, xu nịnh, bề ngoài tỏ ra tốt, trong bụng thì xấu hoặc lúc đầu thì tốt, sau sa đọa; đời người sẽ chê cười…
Những nội dung ghi trong các tấm bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội là những lời vàng ngọc, vừa xây dựng vừa phê phán của cha ông để lại cho đời. Việc khai thác tư liệu từ các pho “sử đá” này còn nhiều tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu. Các nhà khoa học đều cho rằng, Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có nhiều giá trị hiếm có về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật chế tác không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới.
Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn là điểm đến tham quan, tìm hiểu, học tập của Nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Thủ đô Hà Nội thường xuyên quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích đặc biệt quan trọng này. Từ đó, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên hiểu sâu sắc, tự hào hơn về truyền thống hiếu học của cha ông để giữ nước và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp hơnn