Những điểm du lịch kì thú ở cao nguyên đá Hà Giang
Văn hóa - Thể thao 19/10/2022 09:35
Từ đây, đi theo đường 4C huyền diệu, men theo những dãy núi đá tai mèo; vượt qua cả dãy núi dài làm nên những con đèo quanh co, len lỏi giữa rừng mây ướt lạnh la đà, bồng bềnh buổi sớm. Đường 4C dài 185 km từ TP Hà Giang đến 4 huyện cao nguyên đá được Bác Hồ đặt tên là “Đường Hạnh Phúc”.
Khách du lịch thường xuất phát từ TP Hà Giang lúc sáng sớm để kịp thưởng thức bữa cơm trưa với nhiều món đặc sản và ngạt ngào hương vị chén rượu đặc trưng của thị trấn Yên Minh, để rồi tiếp tục đến thăm tư dinh của Vua Mèo họ Vương nằm trên đồi “Rùa Vàng”, thấp thoáng sau dãy sa mộc trên trăm năm tuổi ở xã Sà Phìn. Đến Lũng Cú cao 1.700 m so với mực nước biển để chiêm ngưỡng cột cờ xây theo kiểu dáng Cột cờ Hà Nội, cao 29,5 m trên đỉnh núi Rồng. Lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Vượt 283 bậc lên, bạn sẽ bồi hồi xúc động khi được chạm tay vào lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao lộng gió.
Vượt qua dốc Mã-Pí-Lèng ngắm sông Nho Quế như một sợi chỉ uốn lượn của cô gái Mông trên tấm thổ cẩm nhiều màu sặc sỡ; rồi đến trung tâm thị trấn huyện Mèo Vạc. Nếu may mắn vào đúng ngày chủ nhật đi “chơi” chợ phiên Quản Bạ. Chợ đã có từ hàng trăm năm nay là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong vùng. Chợ có những nét riêng rất độc đáo mà rất khó trộn lẫn với bất cứ chợ nào, là điểm tham quan không thể thiếu trong các “tour” du lịch đến Hà Giang. Chợ không chỉ là nơi mua, bán mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ. Ngày xuống chợ thực sự là ngày hội của các nam thanh, nữ tú với những bộ váy áo đẹp nhất thường chỉ mặc vào dịp Tết.
Vào thăm khu phố cổ Đồng Văn, với gần 40 nóc nhà trên dưới 100 năm tuổi, 2 tầng lợp ngói âm dương. Có 3 dãy nhà chợ hình chữ U với nhiều gian kiểu nhà ống tận dụng mặt tiền để buôn bán như phố cổ ở Hà Nội. Để thu hút khách du lịch đến với phố cổ, từ năm 2006, hằng tháng, huyện Đồng Văn tổ chức “Ba đêm phố cổ” vào các ngày 15, 16, 17 âm lịch. Vào những đêm đó, các nhà dân trưng bày và bán hàng thổ cẩm các dân tộc, quảng bá các món ăn truyền thống… như ở phố cổ Hội An.
Đến miền cao nguyên đá Hà Giang không thể không chiêm ngưỡng, thưởng thức vẻ đẹp thân thiện, mộc mạc nhưng không kém phần kiêu sa của hoa tam giác mạch. Những bông hoa nhỏ li ti cánh chụm lại hình chóp nón có 3 mặt tam giác và những chiếc lá cũng có hình tam giác nên được gọi là hoa tam giác mạch. Hoa thường nở từ tháng 10 đến tháng 12. Khi mới nở là cả một vùng loang sắc trắng, một màu trắng tinh khôi, tinh khiết đến khôn cùng. Sau đó chuyển dần màu phơn phớt hồng như màu má các cô gái Mông. Khi chuyển màu đỏ đậm là lúc hoa dâng hiến trọn vẹn sinh lực cho những hạt mạch quý, làm nên vị ngọt bùi cho những tấm bánh thơm thảo hoặc mùi vị đặc trưng được dùng nấu rượu, làm mềm lòng và níu giữ khách phương xa đến miền sơn cước nơi biên ải.
Những vườn đồi hoa tam giác mạch xen giữa những dải núi tai mèo nhọn hoắt, thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường cổ kính; những nét mặt ngây thơ, rạng rỡ giữa những nhành hoa tam giác mạch mơ màng… đã làm nên bản sắc riêng của cao nguyên đá Hà Giang vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ.